Song song với công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh DTLCP trên địa bàn; Chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chuyên môn cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã tiếp tục duy trì thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP theo quy định của pháp luật. Phổ biến Luật Chăn nuôi đến tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn; thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi lợn theo quy định của Luật Chăn nuôi gắn với tái đàn lợn. Thời gian thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi quý I/2020 hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/5/2020.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch là chính, áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch (bằng vôi bột, hóa chất). Tổ chức tiêu độc khử trùng bằng vôi bột (hoặc hóa chất) toàn bộ các xã có dịch chưa qua 30 ngày và các xã thường xuyên tái phát dịch; tổng tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn huyện (thị xã, thành phố) trong thời gian 07 ngày liên tục.
Thành lập Đoàn kiểm tra, đánh giá điều kiện chăn nuôi tái đàn lợn của các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ. Chỉ cho phép những cơ sở chăn nuôi đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 2364/HD-SNN&PTNT ngày 26/12/2019 và đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi (đối với chăn nuôi quy mô nông hộ). Kiên quyết không hỗ trợ kinh phí cho những trường hợp tái đàn lợn trái quy định hoặc không thực hiện kê khai chăn nuôi. Xử lý nghiêm những trường hợp làm phát sinh dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp xử phạt hoặc chỉ đạo UBND cấp xã theo thẩm quyền thực hiện xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc khác (tái đàn trái quy định). Trong thời hạn 07 ngày (kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính), nếu UBND cấp xã (hoặc UBND cấp huyện) không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải có báo cáo bằng văn bản và nêu rõ lý do về UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT;...
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công lãnh đạo Chi cục trực tiếp phối hợp với cơ quan, đơn vị chuyên môn cấp huyện để chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh DTLCP. Trường hợp cần thiết giao Chi cục trưởng trực tiếp làm việc với lãnh đạo địa phương để kịp thời phối hợp chỉ đạo. Phân công cán bộ chuyên môn đứng điểm phối hợp với các địa phương theo dõi, giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP, đặc biệt là các địa phương có bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày; đôn đốc kê khai hoạt động chăn nuôi theo đúng quy định;... Xuất hóa chất dự trữ của tỉnh để cấp cho các địa phương có dịch bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày để xử lý ổ dịch theo quy định. Tổ chức kiểm tra hoạt động kê khai chăn nuôi và tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh. Báo cáo kết quả chỉ đạo chống dịch bệnh DTLCP, kê khai hoạt động chăn nuôi và tái đàn chăn nuôi lợn về UBND tỉnh trước ngày 15/5/2020.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định, đảm bảo hiệu quả, kịp thời.