Thành công bước đầu
Năm 2017 với mô hình thử nghiệm 40 con heo giống, Tổng đội TNXP đã xây dựng chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học bán hoang dã, lợi dụng đệm lót để hạn chế mùi hôi chất thải, phù hợp với đặc tính heo bản địa. Nuôi heo theo phương pháp ứng dụng KHCN vừa đảm bảo môi trường, tạo ra sản phẩm thịt an toàn thực phẩm, thơm ngon, vừa tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, vừa có nguồn phân bón cho cây trồng, đặc biệt giảm bớt tập quán chăn thả rông của người dân địa phương.
Với những kết quả khả quan đáng mong đợi từ mô hình ban đầu, Tổng đội TNXP Quảng Nam đã mạnh dạn đề xuất Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ và Tài năng trẻ Trung ương Đoàn hỗ trợ một phần kinh phí mua con giống, thức ăn và kỹ thuật nhằm nhân rộng mô hình cho các hộ thanh niên tại Làng TNLN Thạnh Mỹ.
Anh Bùi Thành Vinh - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Quảng Nam cho biết: “Để triển khai tốt mô hình, chúng tôi đã nghiên cứu ứng dụng các công nghệ sinh học trong việc nuôi hen đen bản địa. Bên cạnh xây dựng chuồng nuôi bằng đệm lót sinh học, Tổng đội đã sử dụng các chế phẩm sinh học IM03, FPJ, FAA để trộn vào thức ăn, nguồn nước uống. Ngoài ra, rau xanh sẵn có tại địa phương (chuối cây, dây khoai lang, bắp, lúa…) được sử dụng làm thức ăn để thịt heo đen giữ được những đặc trưng vốn có. Nhờ vậy, con heo hấp thu chất dinh dưỡng sinh trưởng tốt cũng như có khả năng kháng bệnh cao”.
Mô hình chăn nuôi heo đen trên đệm lót sinh học được nhân rộng tại làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ.
Đồng hành cùng thanh niên
Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế thì mục tiêu tạo hướng đi bền vững từ sản xuất nông nghiệp được Tổng đội TNXP hết mực chú trọng, nhất là tìm con đường vượt khó làm giàu cho các hộ thanh niên của Làng TNLN Thạnh Mỹ từ heo đen bản địa. Từ thành công của mô hình kinh tế ứng dụng KHCN, Tổng đội TNXP cung cấp từ con giống đến công nghệ sinh học, chăm sóc kĩ thuật và hơn hết là bao tiêu đầu ra, các hộ thanh niên chỉ cần đầu tư chuồng trại tuân theo mô hình có sẵn. “Khi chung tay hợp tác, chúng tôi có hợp đồng hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho mỗi hộ nuôi. Quyền lợi thành viên được hỗ trợ kĩ thuật miễn phí tại nhà, trong 3 năm đầu miễn phí hoàn toàn. Chúng tôi thường đi thực tế đến hộ nuôi, bắt buộc hộ tham gia phải đảm bảo các yêu cầu khoa học công nghệ. Tôi xem đây là nền tảng rất quan trọng, tạo sự khác biệt để phát triển”, anh Vinh nhận định.
Để thay đổi hoàn toàn tư duy chăn nuôi của đồng bào miền núi, Tổng đội TNXP đề cao tính chặt chẽ, tức là người nuôi không được tự ý áp dụng điều gì ngoài hướng dẫn của Tổng đội. Vòng kết nối tạo điều kiện người tham gia chia sẻ quyền lợi, nâng cao hiệu quả sản xuất, chung tay vì sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng bền vững. Hiện nay, mỗi hộ gia đình chăn nuôi từ 15-20 con heo đen, với mỗi lứa heo được xuất bán, doanh thu có được của mỗi hộ khoảng 80 triệu đồng. Đây còn là cầu nối đưa sản phẩm của thanh niên gần hơn với thị trường thực phẩm vì sức khỏe hiện nay, định hướng được nhu cầu thực phẩm sạch giúp người nuôi gỡ khó, thoát khỏi lối mòn sản xuất cũ.
Tính đến nay, đã có 20/35 hộ thanh niên trong làng nuôi hợp tác với tổng đội và số lượng ngày một tăng. Anh Lê Duy Vũ - hộ thanh niên trong làng tâm sự: Gia đình tôi vừa mới ổn định chỗ ở thì đã được Tổng đội TNXP hỗ trợ mô hình nuôi heo đen bản địa. Bên cạnh các phần kinh phí hỗ trợ khi mới lên lập nghiệp thì đây là nguồn động viên lớn nhất của gia đình. Sắp tới tôi sẽ nhân rộng đàn heo giống của mình thành 30 con và mở rộng khu chuồng nuôi cho đảm bảo“.
Các hộ dân ở làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ còn được hỗ trợ cây giống về trồng tại vườn nhà. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Để Làng thanh niên phát triển bền vững, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam tiếp tục đồng hành với các hộ trong làng nhiều năm nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng làng trở thành một khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở khu vực miền núi của tỉnh.