hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Ép dầu bằng công nghệ mới (25/07/2019)
Vợ chồng anh Đặng Văn Hồng (tổ 3, thôn Bình An, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống máy móc sản xuất dầu phụng nguyên chất, đóng chai công nghệ mới. Mô hình kinh tế này góp phần tăng thu nhập cho gia đình và phát triển ngành chế biến nông sản ở địa phương.
Cơ sở sản xuất của anh Hồng áp dụng công nghệ mới, góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Ảnh: SƯƠNG THỰC
Cơ sở sản xuất của anh Hồng áp dụng công nghệ mới, góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Ảnh: SƯƠNG THỰC

Đi ép đậu từ 5h sáng, nếu như mọi năm, với 3 tạ đậu của gia đình, chị Trương Thị Tăng (thôn Châu Xuân Tây, xã Bình Định Nam) phải qua xế chiều mới xong, nhưng nay chỉ đến 9h sáng là xong. Đó là chưa kể đến việc, không cần phải mang theo củi để nấu. Chị Tăng kể, với việc áp dụng hệ thống máy móc ở cơ sở của anh Hồng thì đậu phụng sau khi đã được xạc, bóc vỏ đi sẽ cho vào sấy giúp ấm đậu và tiếp theo sẽ cho vào máy ép, sau đó lọc áp suất bằng hơi để tạo ra dầu phụng và cuối cùng là đóng chai. “Hồi trước xay luôn cả xác, có bánh dầu vận chuyển về rất vất vả. Bây giờ, xạc ra bóc vỏ, chỉ ép mỗi hạt đậu. Đặc biệt, bên thủ công thì lúc hông đậu phải có nước, bên này thì không cho nước nên dầu trong hơn, sạch và đẹp, không có cặn” - chị Tăng cho biết thêm.

Nhìn cơ ngơi sản xuất như ngày hôm nay với hệ thống nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại, ít ai biết, khi mới bắt đầu lập nghiệp, vợ chồng anh Hồng chỉ có trong tay số vốn 30 triệu đồng. Qua tìm hiểu trên mạng, cùng với việc tham quan thực tế tại huyện Quế Sơn, tháng 7.2018, vợ chồng anh mạnh dạn vay mượn hơn 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở, mua máy móc. Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó, liên tiếp trong mấy tháng đầu, anh Hồng phải bù lỗ hàng chục triệu đồng tiền đậu, và có những khoảng thời gian máy hư, anh không nhớ đã phải tháo ra lắp vào mỗi ngày bao nhiêu lần. Nhưng, chính những ưu điểm của công nghệ mới này mà anh Hồng quyết không bỏ cuộc. “Ưu điểm thì rất nhiều, bà con đỡ tốn công hơn mà mình cũng không nhọc, đa số là máy móc làm. Thời gian phơi đậu ít hơn mà cho ra sản phẩm dầu nhiều hơn. Máy này không chỉ ép được đậu phụng, mè mà còn có thể ép được nhiều nông sản khác” - anh Hồng cho hay.

Đến nay, cơ sở của anh Hồng có thể sản xuất được 5.000 lít dầu các loại mỗi năm, doanh thu hằng năm từ 400 - 500 triệu đồng. Không chỉ vậy, cơ sở của anh còn góp phần giải quyết việc làm cho 8 lao động tại địa phương. Đã 50 tuổi nhưng ông Đặng Văn Hết (tổ 6, thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc) vẫn gắn bó với công việc này. Bởi, theo ông, làm việc ở đây không hề nặng nhọc mà vừa sức, bởi tất cả đã có máy móc. Ông Hết cho hay: “Làm công việc này khỏe, mấy hồi trước, ép mồ hôi đổ đầy, máy này thì làm rất khỏe, chủ yếu quan trọng ở công đoạn cột để bã cho đều và ép dầu cho khô. Thu nhập 1 tháng từ 6 - 7 triệu đồng”.

Theo ông Trương Công Thuận - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Thăng Bình, trước đây người dân ép dầu thủ công, bây giờ áp dụng công nghệ này thì sản lượng sản xuất cao hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, áp dụng công nghệ trong ép, lọc, tinh dầu bỏ đi được chất thải, hệ thống chiết và đóng chai đảm bảo an toàn. Đồng hành với cơ sở của anh Hồng, mới đây, Phòng Kinh tế & hạ tầng huyện từ nguồn khuyến công đã hỗ trợ 145 triệu đồng đầu tư máy móc. “Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục đồng hành với cơ sở, không chỉ riêng trong nguồn khuyến công mà tận dụng các nguồn khác, đầu tư, hỗ trợ để quảng bá thương hiệu, xây dựng nhãn mác để đưa ra các tỉnh bạn” - ông Trương Công Thuận cho biết thêm.

Không chỉ góp phần giải quyết đầu ra nông sản cho người dân ở quê hương mà cơ sở của anh Hồng đã tạo ra sản phẩm mang ra tiêu thụ mạnh mẽ ngoài thị trường với những yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,065 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 115 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 80
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com