|
Chị Tình chăm sóc vườn quế của gia đình. Ảnh: M.H |
Bắt đầu lập nghiệp...
Năm 1999, chị Tình kết hôn với anh Hồ Thanh Bá. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị lập nghiệp bằng cách khai hoang đất sản xuất mới, cùng diện tích đất canh tác cũ và 3.000 cây giống quế Trà My được ba mẹ hai bên gia đình hỗ trợ. Ngày lại ngày, vợ chồng vừa phát dọn, bảo quản, chăm sóc vườn quế, vừa học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu cách gieo ươm giống quế để nhân rộng vườn quế của gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn buổi đầu lập nghiệp, chị Tình nói: “Có thời điểm quế bán ra thị trường thu được lợi nhuận rất cao, song, do thị trường bấp bênh, sản phẩm quế Trà My rớt giá; giống quế từ phía Bắc du nhập vào trồng ồ ạt làm cho diện tích quế Trà My bị thu hẹp, chất lượng và thương hiệu quế bản địa bị ảnh hưởng khiến gia đình tôi vô cùng lo lắng. Trước tình hình đó, vợ chồng tôi nhủ thầm không được từ bỏ, phải kiên trì chăm sóc vườn quế như một lựa chọn để khởi nghiệp”.
Gần 20 năm gắn bó cây quế, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, mỗi mùa thu hoạch, gia đình chị Tình khai thác 10 - 20 cây quế đủ tuổi, tận dụng tất cả lá, thân, cành để bán với giá 5 - 7 nghìn đồng/kg, vỏ quế 38 - 48 nghìn đồng/kg, trừ các khoản chi phí khác, chị thu được hơn 20 triệu đồng/năm và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ số tiền này, chị có kiều kiện để làm nhà ở, mua sắm các vật dụng trong gia đình, ổn định cuộc sống và nuôi con ăn học.
Chia sẻ khó khăn...
Đồng cảm với những khó khăn của các gia đình lân cận, chị Tình đã hỗ trợ 3.000 cây quế 2 năm tuổi cho 15 hộ trong xóm, hướng dẫn họ kỹ thuật trồng và chăm sóc quế. Đến nay, một số hộ đã hưởng lợi từ cây quế, cải thiện thu nhập cho gia đình. Cũng từ nguồn giống quế tự ươm trong vườn nhà, gia đình chị đã bán hơn 20.000 cây quế giống cho huyện và các hộ ở các xã, vừa tăng thêm thu nhập để phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được nguồn giống quế Trà My.
Chị Tình chia sẻ: “Đến nay, tôi nhận thấy, khởi nghiệp từ cây quế bản địa là hướng đi đúng đắn, không những mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hiện gia đình tôi đã mở rộng thêm 20ha vườn quế, trồng hơn 30.000 cây với nhiều độ tuổi khác nhau, đây sẽ là nguồn thu nhập cho con cháu sau này”.
Không những chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Tình còn tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người thân, bà con hàng xóm chăm lo làm ăn, thoát nghèo bền vững. Những năm gần đây, vợ chồng chị tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động, nhất là phong trào thể dục thể thao, các môn truyền thống địa phương tổ chức như bắn nỏ đạt thành tích cao.
Bà Lê Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My cho biết: “Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN xã, Chi hội trưởng Chi hội thôn 1, chị Tình luôn gương mẫu, trách nhiệm trong việc vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào của hội, nhất là phong trào “5 không 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng tiếng Kinh và tiếng Ca Dong, tuyên truyền về tác hại của rượu bia... Chị Tình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, là tấm gương sáng cho hội viên phụ nữ huyện nhà học tập và làm theo”.