hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Ông chủ trẻ vùng đất cát Bình Sa (03/06/2019)
Hành trình trở thành ông chủ trẻ ở tuổi 30, anh Đặng Văn Sỹ (tổ 1, thôn Châu Khê, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình) không ít lần nếm trải thất bại. Và cũng từ đó, trái ngọt đang dần chín.
Ông chủ trẻ Đặng Văn Sỹ với trang trại gà của mình. Ảnh: L.C
Ông chủ trẻ Đặng Văn Sỹ với trang trại gà của mình. Ảnh: L.C

Bén duyên với chăn nuôi

Sau khi tốt nghiệp ngành xây dựng của một trường cao đẳng tại Đà Nẵng, anh Đặng Văn Sỹ (sinh năm 1989) xuôi ngược khắp nơi để xin việc, song bất thành. Anh quyết tâm trở về lập gia đình, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Anh Sỹ kể, sau ngày cưới vợ, vì chưa có việc làm ổn định nên anh phụ mẹ vợ đi giao gà tại các nhà hàng, quán ăn.

Biết có mối quan hệ với chủ các trang trại nên khách hàng nhờ anh mua gà giống. Một lần, khi anh đã liên hệ chủ trại đặt mua 1.000 gà con, thế nhưng người khách lại thay đổi ý định không nhận gà vào giờ chót khiến anh tiến thoái lưỡng nan, không biết làm sao với số gà giống vừa đặt mua.

“Lúc đó, đã trót đặt cọc tiền nên không thể hoàn lại. Chuyện đã đành, tôi bàn bạc với gia đình nhận số gà đó về nuôi tại nhà. Thế là cái duyên nuôi gà lại bắt đầu từ đây” - anh Sỹ kể.

Mô hình nuôi gà đệm lót sinh học của anh Sỹ. Ảnh: L.C
Mô hình nuôi gà đệm lót sinh học của anh Sỹ. Ảnh: L.C

Sau đợt nuôi đầu tiên, anh xuất bán thu lãi gần 70 triệu đồng. Nhận thấy việc nuôi gà dễ sinh lời nên vợ chồng anh Sỹ mạnh dạn thuê đất và mở trang trại chăn nuôi.

Năm 2016, từ khoản tiền vay mượn 500 triệu đồng, trên diện tích 4ha, anh Sỹ đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố rộng 120m2 để thả nuôi 2.000 gà kiến thùng, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi có đệm lót sinh học.

Lứa đầu xuất bán, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Lứa thứ hai, anh nhập 1.500 gà giống Hoàng Thủy để thả nuôi, nhưng vì chưa có kinh nghiệm về việc thích nghi của các giống gà ở những môi trường khác nhau, lứa này anh bị thiệt hại hơn một nửa đàn gà. Sau lần thất bại này, anh rút ra nhiều kinh nghiệm hơn...

Hiện nay, anh Sỹ đã mở rộng quy mô lên 8 trại nuôi, mỗi trại nuôi 1.500 - 2.000 con gà, có lưới rào bao quanh và hệ thống máng ăn, nước tự động. Sau khi mua gà con về, anh Sỹ tự úm, tiêm vắc xin, có cách nuôi thả hợp lý để gà tự thích nghi với môi trường tự nhiên... Mỗi năm anh xuất bán 3 lứa. Sau khi trừ chi phí anh thu về hơn 1 tỷ đồng/năm và giải quyết được việc làm cho 3 lao động địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh Sỹ cho biết, nuôi gà trên đất cát không khó mà lại còn hạn chế được ô nhiễm môi trường. Để gà cho năng suất cao thì cần phải quan tâm đến nhiều khâu như chọn giống,  chọn thức ăn, chăm sóc khoa học…; trong đó, khâu quan trọng nhất là tiêm vắc xin khi gà còn nhỏ.

Giúp nhau làm giàu

Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, anh còn chia sẻ, tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ dân trong vùng cùng đi theo cách gây dựng sự nghiệp của anh.

Tính đến nay, riêng tại xã Bình Sa đã có 5 trang trại được xây dựng quy mô là trang trại vệ tinh của anh Sỹ. “Hiện nay, đầu ra cho gà rất ổn định, tập trung những chợ đầu mối ở Hội An, Đà Nẵng, các nhà hàng, quán ăn lớn…, nhiều khi cung không đủ cầu. Vì vậy việc liên kết các hộ trong việc đảm bảo đầu ra cho gà là điều cần thiết giúp mang lại sự ổn định về giá và thu nhập cho các hộ dân” - anh Sỹ chia sẻ.

Tận dụng diện tích đất cát, anh Sỹ đã nuôi thành công gà kiến thùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: L.C
Anh Sỹ khá thành công khi nuôi gà kiến thùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: L.C

Thành công từ việc nuôi gà quy mô lớn, anh Sỹ thành lập Công ty TNHH Đặng Bảo Vy, cung cấp con giống, thuốc thú ý và thức ăn chăn nuôi gia cầm, gia súc trong và ngoài huyện Thăng Bình, đồng thời là cầu nối giữa các doanh nghiệp lớn với nông dân.

Theo anh Sỹ, khi tạo thành chuỗi liên kết, doanh nghiệp sẽ cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết sẽ rất có lợi cho các hộ dân.

Ông Phan Chiến Trung  - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Sa cho biết, đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của xã. Từ mô hình này đã giúp nhiều hộ dân khác đầu tư làm ăn kinh tế, phát triển nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả.

“Địa phương rất khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trong người dân. Đồng thời mong muốn các chủ trang trại cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố môi trường, để vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa đảm bảo môi trường trong sạch” - ông Trung nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,176 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 114 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 80 110
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com