|
Mô hình nuôi vịt - cá kết hợp cho thu nhập cao của anh Trần Kim Cúc. Ảnh: THÁI CƯỜNG |
Năm 2018, sau khi có đủ vốn liếng từ việc lái xe cơ giới, anh Cúc cải tạo diện tích ao nhà (trước đây dùng để nuôi cá) bằng cách xây dựng thành ao kiên cố với bê tông, cốt thép và có hệ thống thoát nước. Là dân tay ngang không có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi vịt công nghệ cao, nên anh áp dụng cách nuôi truyền thống và tham khảo thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy trình thú y trong nuôi vịt thương phẩm.
Anh Cúc cho hay, trước đây việc nuôi cá của gia đình không mấy hiệu quả vì thời gian sinh trưởng lâu, khi xuất bán lại có giá thành thấp. Việc nuôi vịt kết hợp sẽ giúp tiết kiệm chi phí, vịt sẽ hỗ trợ cho cá phát triển tốt hơn do môi trường sống của 2 loài này khác nhau: vịt sống ở tầng mặt, cá sống ở tầng dưới nên không có sự cạnh tranh về không gian sống. “Thức ăn rơi vãi của vịt là nguồn thức ăn cho cá; ngược lại các động vật phù du, thực vật sống dưới tầng nước lại là nguồn thức ăn cho vịt” - anh Cúc nói.
Bắt đầu thả nuôi lứa đầu tiên với 280 vịt con, nhận thấy đàn vịt phát triển tốt, anh Cúc dần nâng số lượng. Tính đến nay, anh nuôi khoảng 1.200 con vịt theo hình thức gối đầu ở 3 khu vực ao khác nhau. Sau khoảng 55 ngày tuổi, vịt đạt 2,8 - 3kg thì anh xuất bán với giá dao động 120 nghìn đồng/con, thu lời 7 - 8 triệu đồng/lứa, mỗi năm thu gần 100 triệu đồng.
|
Riêng nuôi vịt, mỗi năm anh Cúc thu lời gần 100 triệu đồng. Ảnh: THÁI CƯỜNG |
Nhờ có sự kết hợp của vịt, đàn cá cũng có sự sinh trưởng tốt hơn vì khi nuôi vịt trong ao cá sẽ làm tăng nguồn dưỡng khí (ô xy), tạo môi trường có đầy đủ dưỡng khí cho các loài phù du và động thực vật phát triển. Anh Cúc cho biết: “Nhờ nuôi vịt bán gối đầu nên tôi chủ động được nguồn vốn, giữ đàn cá nuôi đến thời điểm cuối năm mới xuất bán. Năm 2018, sau khi trừ chi phí nuôi cá, tôi thu lời thêm gần 100 triệu đồng từ tiền bán cá”.
Cùng với việc chăn nuôi, anh còn tận dụng diện tích đất vườn trồng thêm các loại cây ăn quả, tạo bóng mát cho đàn vịt và tăng thêm thu nhập. Nhờ có sự kết hợp hài hòa, mỗi năm gia đình anh thu lời gần 300 triệu đồng và giải quyết được việc làm cho 4 - 5 lao động.
Thời gian đến, anh Cúc tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi và tính phương án liên kết với các hộ gia đình trong thôn, thuê đất nông nghiệp để áp dụng mô hình mới. “Qua trồng thử nghiệm, tôi thấy việc trồng sen phù hợp với đất ruộng ở đây, sắp đến chúng tôi sẽ xin cải tạo đất và trồng trên diện rộng. Mô hình này sẽ góp phần đem lại thu nhập kinh tế và tận dụng được diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả mà người dân bỏ hoang” - anh Cúc nói.
Anh Lê Văn Phải - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo Chu Lai - Núi Thành cho biết: “Cách làm của anh Trần Kim Cúc không phải là mới. Nhưng để có được sự thành công như ngày hôm nay đối với một người tay ngang thì bản thân anh đã thật sự nỗ lực, cố gắng trong việc tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Sự nỗ lực này là điều mà nhiều bạn trẻ cần học tập trong quá trình khởi nghiệp của mình”.