|
Ông Nguyễn Dũng được UBND tỉnh tặng bằng khen "Người khuyết tật sản xuất kinh doanh giỏi". Ảnh: P.P |
Vượt lên nghịch cảnh
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng quê Điện An, từ nhỏ ông Nguyễn Dũng sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn khỏe mạnh như bạn bè đồng lứa. Năm 7 tuổi, bệnh sốt thương hàn cướp đi niềm vui sống của cậu bé Dũng. Do gia đình quá nghèo, không đủ tiền đưa đi điều trị nên kể từ đó, cậu bé Dũng bị bại liệt 2 chân.
Đã hơn 50 năm sống với đôi chân tật nguyền, từ cậu bé Dũng và nay là một ông lão tóc đã hoa râm, chưa khi nào người ta thấy ông tự ti, mặc cảm về bản thân. Trái lại, ông vẫn vui vẻ, lạc quan, vươn lên nghịch cảnh, sống có ích cho đời.
"Tuổi thơ của tôi đã quá khó, quá khổ. Dù tật nguyền nhưng tôi vẫn chống gậy lê bộ từng bước với đoạn đường hơn 2 cây số mỗi ngày để đến trường đi học. Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành xong chương trình cấp 3. Chặng đường đến trường của một người bị bại liệt 2 chân như tôi biết bao gian nan, nhọc nhằn, bao giọt mồ hôi, nước mắt đổ xuống con chữ. Nhưng cũng nhờ có con chữ, tôi nhận thức được nhiều điều. Mình học được chừng nào, cái sự nhờ vả, ỷ lại vào người khác ít chừng ấy" - ông Dũng kể.
Những năm tháng tuổi trẻ, ông Dũng bôn ba với đời, làm đủ mọi việc, từ làm ruộng, chăn nuôi, trồng trọt, không khi nào ngơi chân tay. Năm 1999, ông xây dựng tổ ấm rồi lần lượt đón các thành viên mới chào đời, thêm miệng ăn là thêm cái khó. Ông và vợ bươn chải từ 6 sào đất lúa được cha mẹ cho làm vốn liếng, rồi nuôi heo, gà vịt quần quật trong nhà, ngoài đồng suốt năm, suốt tháng để trang trải cái ăn, cái mặc. Lúc nông nhàn, ông đi bán thêm vé số kiếm tiền trang trải.
Ông còn đảm nhận đan lát, đóng giếng cho bà con quanh xóm, ai kêu gì làm nấy, không ngại khổ. Với 2 con, ông Dũng là người cha đáng kính. Bởi lẽ, cậu con trai đầu lòng của ông thuở học lớp 2 mà vẫn chưa biết đọc, học chậm hơn bạn bè; nghe cô giáo nói về tình trạng học hành, ông bàn với vợ nghỉ hẳn việc bán vé số, đầu tư chăn nuôi trong vườn nhà để có thời gian kèm cặp sắp nhỏ học hành.
"Tôi khổ quá rồi, không muốn con cái phải khổ thêm. Nó phải có cái chữ, đi ra với đời. Đi cùng với cái dốt là tệ nạn xã hội. Vậy là tôi ra sức kèm cặp con học hành, giúp con lấy lại căn bản. Con đi trường học, mình đi trường đời là vậy" - ông tâm sự.
Lao động, sản xuất giỏi
Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, ông Dũng quyết tâm nhân tổng đàn heo, gà vịt theo kiểu lấy ngắn nuôi dài với nhiều lứa nuôi khác nhau, giảm thiểu rủi ro về giá cả, sức tiêu thụ. Ông chủ động vay vốn mua thêm bò giống, xây dựng chuồng heo, chuồng bò kiên cố, tránh lũ. Đàn bò của ông có thời điểm tăng lên 8 - 10 con, mỗi năm bán được 4 bò giống, lãi ròng vài chục triệu đồng.
Đàn gà vịt thời điểm nào cũng có hàng trăm con, vừa nuôi lấy trứng thương phẩm, vừa bán thịt. Bình quân mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường 2.000 gà con, hơn 3.000 quả trứng, hàng chục triệu đồng từ các lứa gà vịt bán thịt. Thu nhập từ đàn heo cũng giúp ông gia tăng các khoản thu. Nhẩm tính, cộng chung các khoản từ chăn nuôi, mỗi năm ông thu về hơn 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi ròng gần 50 triệu đồng.
|
Ông Dũng với mô hình chăn nuôi gia trại tổng hợp cho thu nhập ổn định. Ảnh: P.P |
Để chăn nuôi hiệu quả, ông mày mò tham gia các lớp học do Hội Nông dân phường Điện An tổ chức. Ông nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, tự tiêm vắc xin và điều trị bệnh cho đàn gà vịt, tự đỡ đẻ cho đàn bò, tự phối giống cho heo, bò mà không phải nhờ đến thú y. Mỗi ngày, với đôi chân tật nguyền, ông Dũng vẫn lặn lội ra đồng cắt từng bao cỏ tươi cho bò ăn. Mỗi mùa gặt, ông và vợ phải tất tả đi khắp các chân ruộng gom rơm về dự trữ làm thức ăn khô cho đàn bò mùa mưa lũ. "Mấy cây rơm cũng do tôi tự chất đó. Tôi trèo lên phía trên, vợ thì ở dưới đưa rơm" - ông cười hiền.
Từ bàn tay trắng, một lão nông khuyết tật như ông cũng có nhà cửa kiên cố, đủ trang trải cuộc sống, lo cho 2 con ăn học. Gia sản của ông là đàn bò và 6 sào ruộng, là các lứa gà vịt, heo quay vòng quanh năm. Chuồng bò, chuồng heo, chuồng gà được xây dựng kiên cố, rào lưới B40, bê tông sạch sẽ, thoáng mát.
Ông Thái Văn Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Điện An nhận xét: "Ông Nguyễn Dũng là gương người khuyết tật vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của phường, là tấm gương đáng để mọi người học hỏi, noi theo. Tôi đã từng hỗ trợ ông Dũng vay vốn phục vụ sản xuất, thấy ông làm được, tôi vận động Ngân hàng Chính sách để ông có thể vay thêm vốn. Nhờ vậy, ông Dũng đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, được UBND thị xã Điện Bàn và UBND tỉnh trao tặng bằng khen "Người khuyết tật sản xuất kinh doanh giỏi"".