Cơ sở chế biến nông sản của chị Nguyễn Thị Khôn với thu nhập 400 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 100 lao động nữ
Theo số liệu thống kê, số hộ nghèo chung toàn tỉnh là 45.330 hộ, trong đó, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ: 21.169 hộ, tỷ lệ 46,7%. Để nâng cao chất lượng đời sống cho hội viên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, trong năm qua, Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai các nghị quyết, đề án, của Trung ương cũng như của tỉnh liên quan về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thoát nghèo. Song song đó, thường xuyên tuyên truyền, cung cấp đầy đủ các thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ thoát nghèo, đồng thời vận động phụ nữ đủ điều kiện đăng ký thoát nghèo. Trong năm 2018, các cấp Hội đã đăng ký giúp 904 hộ phụ nữ thoát nghèo.
Theo đó, Hội đã phối hợp khảo sát, nắm và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, quan tâm đối tượng phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ là lao động chính để có kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ giảm nghèo. Tiếp tục phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu đào tạo nghề cho 1.253 lao động nữ; sau đào tạo nghề có 1.021 chị có việc làm. Ngoài ra, các cấp Hội đã tư vấn, giới thiệu 20 chị làm việc tại các công ty, xí nghiệp, giúp việc gia đình trong và ngoài địa phương.
Tập trung tuyên truyền, vận động nguồn lực hỗ trợ 107 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của 4 hợp tác xã gồm: HTX Nông nghiệp và PTNT H&H, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ Nấm Nhì Tây (Hiệp Đức), HTX nước mắm Tam Thanh (Tam Kỳ) và HTX nông nghiệp Phú Sen (Tam An, Phú Ninh); hỗ trợ thành lập mới 1 HTX do phụ nữ quản lý là HTX Nông nghiệp sạch Quế Sơn tại thôn Khánh Phước, xã Quế Châu. Hội cũng đã tổ chức Lễ phát động “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” và Tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong phụ nữ lần thứ I” năm 2018, có 7 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải trong tổng số 54 hồ sơ dự thi. Chọn 04 hồ sơ tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức, có 02 dự án được vào vòng sơ khảo.
Bên cạnh việc tuyên truyền nâng nhận thức, các cấp Hội đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ để giúp phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững như: khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của HVPN nghèo; gắn kết hộ nghèo tham gia các mô hình tiết kiệm, mô hình tạo việc làm sau học nghề (HTX/THT/Tổ liên kết); vận động HVPN, các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cây, con giống, phân bón, tiền, ngày công lao động; tổ chức 352 lớp tập huấn, hội thảo về chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương pháp chọn giống, phòng chống các loại bệnh trên cây trồng và vật nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...với sự tham gia của 36.323 lượt HVPN; trong đó nổi bật là hoạt động hỗ trợ trao phương tiện sinh kế với tổng trị giá 4,4 tỷ đồng cho 1.515 HVPN nghèo.
Đồng thời, tiếp tục duy trì, xây dựng 272 mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ với nhiều tên gọi (CLB, tổ, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết), thu hút 9.692 thành viên tham gia như CLB “Phụ nữ phát triển kinh tế”, “Phụ nữ tiểu thương”, “Phụ nữ vượt khó”, “Nữ doanh nghiệp”, mô hình trồng rau an toàn, nuôi gà thả vườn, làm nghề, chăn nuôi... Hiệu quả từ các mô hình đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị sản xuất nông - lâm - công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, các cấp Hội luôn chú trọng thực hiện tốt việc quản lý nguồn vốn Ngân hàng chính sách uỷ thác qua kênh Hội, không để xảy ra xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Tổng dư nợ đến ngày 30/11/2018 là 1.753 tỷ đồng cho 56.535 hộ vay. Duy trì, phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ phát triển kinh tế - xã hội Hội LHPN tỉnh với 8,7 tỷ cho 870 hộ vay tại 2 huyện Duy Xuyên và Hiệp Đức và nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ 1,3 tỷ cho 130 hộ vay.
Đặc biệt, Hội luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, điện, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, Hội LHPN các cấp tổ chức 78 điểm truyền thông cho 7.197 lượt HVPN; một số địa phương tổ chức tập huấn, mitting, hội thi, hội trại, trồng cây xanh... thu hút đông đảo HVPN tham gia... Duy trì các mô hình về bảo vệ môi trường như: Tổ phụ nữ không sử dụng túi ni lông; tổ phụ nữ thu gom rác thải; đoạn đường phụ nữ tự quản; tổ phụ nữ bảo vệ môi trường biển; phân loại rác thải tại nguồn...
Có thể nói, nhờ triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch cũng như các giải pháp đột phá trong thời gian qua của Hội LHPN tỉnh đã nâng cao chất lượng đời sống hội viên, giảm tỷ lệ hộ nghèo; hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đã đề ra. Ngày càng có nhiều gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp; không chỉ khẳng định vị thế trong xã hội mà còn tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.