hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Lá cờ đầu kinh tế hợp tác (27/08/2018)
Sáng mai 24.8, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp (Đại Lộc) tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập (8.1978 - 8.2018) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Nhờ ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, sản xuất lúa ở Đại Hiệp luôn đảm bảo khung thời vụ, nâng cao giá trị kinh tế. Ảnh: D.S
Nhờ ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, sản xuất lúa ở Đại Hiệp luôn đảm bảo khung thời vụ, nâng cao giá trị kinh tế. Ảnh: D.S

Phát huy vai trò “bà đỡ”

Ngoài 300ha đất màu và 100ha đất trồng cây ăn quả, hiện nay mỗi vụ nông dân trên địa bàn 7 thôn của xã Đại Hiệp gieo sạ 345ha lúa. Những năm qua, chính quyền địa phương cùng HTX Đại Hiệp đã nỗ lực vận động và hỗ trợ nhà nông triển khai mạnh mẽ công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng nhằm tạo thuận lợi cho quá trình canh tác, đưa cơ giới hóa vào phục vụ các khâu sản xuất. Ông Phạm Thành Sự - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Đại Hiệp cho biết, trong tổng số 345ha đất lúa của xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa được 270ha. Cùng với việc tập trung cải tạo đồng ruộng, Đại Hiệp đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng và quy hoạch xây dựng một số cánh đồng mẫu lớn với quy mô mỗi mô hình 20 - 35ha. Theo ông Sự, nhờ HTX quản lý, điều hành khá tốt 34 máy cày loại lớn và 14 máy gặt đập liên hợp nên vụ nào tiến độ làm đất, thu hoạch cũng sớm hơn 5 - 7 ngày so với trước đây nông dân thực hiện bằng thủ công. “Tất cả diện tích đất canh tác của Đại Hiệp đã được cơ giới hóa. Có thể nói, nhờ thực hiện hiệu quả khâu này mà việc sản xuất luôn đảm bảo khung thời vụ; đặc biệt là giúp nông dân giải phóng sức lao động, tiết kiệm một phần chi phí đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích” - ông Sự chia sẻ.

Tháng 6.2015, HTX Đại Hiệp tổ chức đại hội chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX. Hiện nay, số lượng cán bộ làm việc trực tiếp tại đơn vị là 18 người, trong đó 5 thành viên Hội đồng quản trị đều trình độ đại học. Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các loại hình dịch vụ và linh hoạt trong sản xuất - kinh doanh nên doanh thu của HTX luôn đạt cao. Năm 2017 tổng doanh thu của HTX đạt 22 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,1 tỷ đồng. Theo dự tính, năm 2018 này tổng doanh thu của đơn vị không dưới 25 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chắc chắn đạt 1,3 tỷ đồng.

Với những thành quả đạt được, HTX Đại Hiệp nhiều lần được các cấp, các ngành tuyên dương là điển hình tiên tiến trong phong trào kinh tế hợp tác.

Bên cạnh việc nỗ lực dồn điền đổi thửa và cơ giới hóa đồng ruộng, nhiều năm nay HTX Đại Hiệp cũng luôn làm tốt các khâu trọng yếu khác nhằm tiếp sức cho nông dân trong quá trình phát triển sản xuất. Theo ông Phạm Thành Sự, hiện nay HTX quản lý một hồ chứa có dung tích 2 triệu mét khối nước và 4 trạm bơm điện với 12 máy bơm có công suất 30kWh/máy. Để đảm bảo việc tưới tiêu cho 345ha lúa và 50ha hoa màu do đơn vị đảm trách phục vụ tưới trong mỗi vụ, HTX trực tiếp điều hành và trả công cho 8 công nhân vận hành, 25 lao động dẫn nước. HTX Đại Hiệp cũng đặc biệt chú trọng đến việc tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, du nhập nhiều giống lúa mới hỗ trợ nông dân gieo sạ đại trà nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Để quản lý hiệu quả dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng, đơn vị còn tập trung triển khai tốt dịch vụ bảo vệ thực vật và dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh. “Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều khâu, những năm qua nông dân địa phương rất phấn khởi vì liên tục được mùa lúa. Theo dự tính, năm 2018 này năng suất lúa bình quân toàn xã sẽ đạt 65 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với năm 2010 trở về trước” - ông Sự nói.

Phát triển  có chiến lược

Không chỉ làm tốt vai trò “bà đỡ” cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp bằng các loại hình dịch vụ hữu ích, những năm qua đội ngũ cán bộ quản lý của HTX Đại Hiệp cũng rất linh hoạt trong việc hoạch định chiến lược sản xuất - kinh doanh nhằm tăng doanh thu cho đơn vị và góp phần tạo công ăn việc làm cho con em thành viên HTX cũng như lao động nông nhàn tại địa phương. Ông Phạm Thành Sự cho biết, trước yêu cầu của thị trường, đầu năm 2010 HTX quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel bằng công nghệ hiện đại có công suất 10 - 15 triệu viên/năm với tổng kinh phí 12 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thuộc Liên minh HTX Việt Nam cho vay ưu đãi 3 tỷ đồng, số khác là vốn tự có của đơn vị và huy động vốn liên doanh, liên kết. “Trong 8 năm qua, bình quân mỗi năm nhà máy sản xuất gạch tuynel của HTX cung ứng ra thị trường 12 - 15 triệu viên, đạt doanh thu 12 - 15 tỷ đồng. Hiện nay, tại nhà máy có 80 lao động được giải quyết việc làm thường xuyên với mức lương hằng tháng dao động 4,5 - 5 triệu đồng/người, cá biệt có một số công nhân thu nhập 7 triệu đồng” - ông Sự chia sẻ. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Hoa (ở xã Đại Hiệp) cách đây hơn 5 năm xin vào làm công nhân nhà máy gạch tuynel của HTX. Chị Hoa cho biết, nhờ sản phẩm của nhà máy có đầu ra khá lớn và ổn định nên công nhân có việc làm thường xuyên với mức thu nhập hàng tháng khoảng 4,5 triệu đồng.

Mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa giúp nông dân địa phương có nguồn thu nhập cao.  Ảnh: D.S
Mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa giúp nông dân địa phương có nguồn thu nhập cao. Ảnh: D.S

Những năm qua HTX Đại Hiệp còn đảm nhận dịch vụ quản lý điện nông thôn. Để đảm bảo nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và hộ cá thể ở địa phương, từ nguồn vốn vay của dự án RE 2 và vốn tự có, HTX tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo toàn bộ hệ thống lưới điện hạ thế. Nhờ vậy, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ 15% xuống còn 9% và việc kinh doanh đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hằng năm HTX cung ứng điện cho 2.600 khách hàng và đạt doanh thu 7 - 9 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX Đại Hiệp nhận thầu xây dựng các công trình dân dụng, trường học, giao thông nội đồng, kênh mương… tại địa phương và một số nơi khác trên địa bàn huyện Đại Lộc. Ông Phạm Thành Sự cho hay, bình quân mỗi năm lĩnh vực này mang lại cho đơn vị mức doanh thu 1 - 2 tỷ đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động có tay nghề mộc, nề, cơ khí…

Nhạy bén, linh hoạt làm kinh kế

Trong 8 năm trở lại đây HTX Đại Hiệp đã đứng ra làm khâu trung gian cho nông dân địa phương hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ năm 2010 đến nay mỗi năm nông dân xã Đại Hiệp liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên và một số doanh nghiệp khác tổ chức sản xuất ít nhất 170ha hạt giống lúa thuần. Bình quân mỗi vụ 1ha đất sản xuất hạt giống lúa thuần cho nhà nông mức thu nhập 50 triệu đồng, tăng 8 - 10 triệu đồng/ha so với trước đây làm lúa thương phẩm.

Tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, những năm qua HTX Đại Hiệp cũng thực hiện tốt gói dịch vụ cung ứng vật tư phân bón theo phương thức trả chậm. Hàng năm đơn vị cung ứng cho các thành viên khoảng 130 tấn vôi bột, 30 - 50 tấn phân bón và nhiều loại giống lúa chất lượng, đảm bảo phù hợp với cơ cấu mùa vụ. Toàn bộ lượng vật tư phân bón đầu vào, cuối vụ HTX mới thu tiền của người dân...

 

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,370 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com