hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tà Lu, đổi thay từ nông thôn mới (15/06/2018)
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo của xã Tà Lu (huyện Đông Giang) có nhiều đổi thay, từ điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt cho đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Đời sống của đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Lu ngày càng có nhiều đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Đời sống của đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Lu ngày càng có nhiều đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Cơ hội từ đường giao thông

Không còn cô lập sâu trong vùng đất cũ giữa rừng, làng Aréh (xã Tà Lu) hôm nay thật khác, khi con đường bê tông đã được đầu tư chạy dài theo chân núi nối với tuyến quốc lộ 14G. Những mái nhà mới san sát mọc lên giữa thung lũng, dọc theo tuyến đường rộng thoáng, lấp lánh dưới ánh nắng cuối hè. Thỉnh thoảng, những chuyến xe máy của đồng bào ngược dốc đi ra bên ngoài trung tâm xã để mua sắm. Già làng Alăng Giôr nói rằng, kể từ khi có con đường mới này, đời sống của người dân được nâng lên khá rõ nét. “Mấy năm trước, người làng cũng trồng chuối, trồng keo, trồng rau màu, nhưng do điều kiện đường sá đi lại khó khăn nên giá chưa cao. Bây giờ thì khác rồi, đường mới được mở về tận làng, xe tải có thể đến tận rừng keo để thu mua, vận chuyển. Cuộc sống của bà con từ đó mà thay đổi theo” - già Giôr bộc bạch.

Con đường mới đã tạo động lực giúp đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Lu có thêm điều kiện trong phát triển kinh tế hộ gia đình, từ việc trồng keo và các loại nông sản đặc trưng của vùng. Đã có nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, trở thành gương sáng cộng đồng vùng cao, tiêu biểu như hộ ông Pơloong Pấc (thôn Đhrôồng) với mô hình kinh tế trang trại, thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Theo ông Đa Lây Lực - Chủ tịch UBND xã Tà Lu, từ các nguồn vốn NTM, năm 2017 địa phương đã tập trung mở rộng, nâng cấp và xây dựng nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã với hạng mục thiết kế đạt chuẩn, đảm bảo thuận lợi trong việc đi lại của người dân địa phương.

Từ đó, mở rộng thêm tuyến đường sản xuất và tạo quỹ đất giúp bố trí đất ở cho bà con tại các khu tái định cư mới. Chính quyền xã cũng đã linh hoạt huy động và lồng ghép nguồn vốn đầu tư công trình nước sinh hoạt phục vụ hàng trăm hộ dân tại các thôn Pà Nai 1, Pà Nai 2; đầu tư hệ thống bể nước tự chảy tại các cụm dân cư mới. “Song song với các hoạt động mở rộng giao thông nông thôn, chúng tôi còn chú trọng đến đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch từ sản phẩm cộng đồng miền núi tại làng văn hóa du lịch Đhrôồng, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, địa phương cũng đã triển khai thực hiện di dời và bố trí 11 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, bão lũ đến nơi ở mới dọc theo các tuyến đường dân sinh” - ông Lực cho biết thêm.

Vượt qua thách thức

Ông Đa Lây Lực cũng cho hay, do điều kiện đặc thù của miền núi nên việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Toàn xã có 4 thôn với 296 hộ/1.107 nhân khẩu; trong đó, hơn 90% đồng bào Cơ Tu sinh sống từ lâu đời. Sau 5 năm triển khai chương trình NTM, những rào cản về giao thông cách trở, cũng như các phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ… đã dần được “hóa giải”, mở ra cơ hội trên hành trình giảm nghèo bền vững. “Đến nay, xã Tà Lu đã đạt 9/19 tiêu chí NTM theo chuẩn mới, góp phần đưa diện mạo của địa phương thêm khởi sắc. Qua đánh giá, hiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn xã giảm dần xuống còn 58,45%, với thu nhập bình quân 18 triệu đồng/người/năm” - ông Lực nói.

Là một trong số hộ gia đình tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM tại địa phương, năm 2017 ông Bríu Đeng (ở thôn Đhrôồng) đã tình nguyện hiến hơn 1.000m2 đất vườn và hoa màu giúp chính quyền địa phương thực hiện công trình đường giao thông NTM. Ông Đen nói, việc làm của gia đình ông như trách nhiệm chung với cộng đồng, vì mong muốn có được con đường mới đẹp đẽ hơn, thông thoáng hơn và tránh được hiểm họa mưa lũ hàng năm. Ngoài hiến đất, ông Đeng còn tích hỗ trợ dân làng trong việc vận động, tuyên truyền hưởng ứng các phong trào xã hội, chung tay xây dựng NTM. Từ tấm gương của hộ ông Đen, dần dà có thêm nhiều hộ dân địa phương cùng chung sức hỗ trợ xây dựng NTM, tạo điều kiện giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng với nhu cầu bức thiết trên địa bàn xã.

Ông Bríu Đâu - Bí thư Đảng ủy xã Tà Lu cho biết, bên cạnh chú trọng đầu tư mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, xã còn đẩy mạnh các phong trào “cộng hưởng” từ phía cộng đồng, tập trung phát triển kinh tế theo hướng đặc trưng của vùng. Tiêu biểu là các mô hình chăn nuôi tập trung bò cái sinh sản, chăn nuôi heo cỏ địa phương gắn với việc trồng rừng và nông sản miền núi. “Để làm tốt công tác giảm nghèo tại địa phương, thời gian tới, cùng với triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, chúng tôi sẽ chú trọng hỗ trợ đầu ra của sản phẩm, kết hợp bảo tồn những giá trị truyền thống và phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái, xây dựng cửa hàng bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhằm mở rộng thị trường ra bên ngoài” - ông Đâu nhấn mạnh.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,404 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com