|
Đường sá qua xã Đại Đồng được mở rộng. Ảnh: C.TÚ |
Động lực kinh tế
Mới hơn 9 giờ sáng, vợ chồng ông Đỗ Đề đã đi làm đồng về. Ông cụ vác cuốc mà phía đầu cán và đằng đuôi không quên kẹp thêm mớ sả vừa thu hoạch. Trong quang gánh của bà, nhiều tép sả được bó gọn để đưa về nhà tại số 18/5, đường số 5, thôn Vĩnh Phước. Ông kể, hai vợ chồng sống trải qua gần 80 cái xuân rồi, sức khỏe kém dần nên chỉ canh tác gần 1 sào lúa cho có gạo ăn; rồi trồng hơn 1 sào cây sả nữa kiếm tiền lo chuyện phải không. “Thương lái tới thu mua sả tại chỗ với giá 6.500 đồng/kg, lại ít tốn công chăm sóc nên bà con trong thôn trồng nhiều lắm. Chừng ấy sả mang về nhà, ông bán được 50 - 60 nghìn đồng” - ông Đỗ Đề nói. Ông Từ Văn Bình - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Vĩnh Phước cho biết thêm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh mẽ ở địa phương. Nhiều diện tích canh tác hoa màu, lúa kém hiệu quả nay chuyển sang trồng cây sả, có hộ làm tới 5 sào. Loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, thu nhập mỗi năm 15 triệu đồng/sào. Vĩnh Phước hiện có 7ha canh tác sả tập trung, chưa kể nhân dân còn trồng xen ven đường, bờ rào, vườn nhà.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Đồng - ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ, địa phương phát động xây dựng xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2011 khi chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí. Lúc ấy, xã miền núi này sở hữu cơ sở hạ tầng hạn chế, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ còn nhỏ bé, thu ngân sách địa phương hàng năm chủ yếu là nhận điều tiết từ cấp trên. Nhưng năm 2018, Đại Đồng đã về đích xã NTM. Theo ông Nguyễn Vinh Quang, thành quả đạt được là nhờ sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Trước hết, xác định nâng cao thu nhập của người dân là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM, những năm qua xã chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, áp dụng cơ giới hóa làm khâu đột phá. Phát huy vai trò “bà đỡ”, hợp tác xã làm chủ khâu cung ứng vật tư, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức liên doanh, liên kết đầu tư sản xuất lúa giống trên 180ha và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhờ vậy giá trị thu nhập được nâng cao. Các trang trại chăn nuôi tập trung hình thành. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chuyển động mạnh mẽ. Trên địa bàn xã đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động với mức lương từ 4 - 8 triệu đồng/tháng/người. Qua khảo sát năm 2018, thu nhập bình đầu người đạt 35,26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,14%.
Chăm lo toàn diện
Chủ tịch UBND xã Trương Hữu Mai cho biết, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM qua 8 năm (2011 - 2018) của Đại Đồng hơn 81,1 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 26,2 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 33,2 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các dự án 12,5 tỷ đồng; huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã 18,9 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 2,7 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động. |
Nói về thành quả xây dựng NTM của địa phương, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Trương Hữu Mai bộc bạch, văn hóa - xã hội ngày càng khởi sắc, an ninh trật tự được đảm bảo. Đặc biệt, điều kiện về học tập, chăm sóc sức khỏe của nhân dân dần tốt hơn; đời sống tinh thần nâng lên đáng kể.
Qua tuyên truyền vận động, hơn 90% người dân Đại Đồng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Xã có 7 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa 3 năm liền trở lên. Để cải thiện môi trường, địa phương tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện đề án thu gom rác thải với 100% hộ tham gia; cạnh đó tỷ lệ hộ đủ 3 công trình vệ sinh đạt 98,7%. Điển hình tại khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Vĩnh Phước, các hộ chăn nuôi đã xây dựng hầm biogas và cam kết không gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Hiện thực hóa kế hoạch “Giờ môi trường ngày thứ Bảy hàng tuần”, mỗi tháng người dân nơi đây tổ chức dọn vệ sinh 4 lần. “Nhờ sự quan tâm hỗ trợ các các cấp, các ngành, đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã, sự chung tay của bà con đồng hương ở mọi miền đất nước, sự vào cuộc hiệu quả của các hội, đoàn thể xã nhà, đặc biệt là sự đồng thuận hưởng ứng cao của nhân dân, nên diện mạo quê hương Đại Đồng đã đổi thay thấy rõ” - ông Trương Hữu Mai tâm đắc nói.
Riêng 8 năm qua, Đại Đồng xây dựng thêm 9,49km đường trục xã; gần 14km đường trục thôn; hơn 4,7km đường ngõ xóm và 4,5km giao thông nội đồng, 15km kênh mương nội đồng. Để đường sá chạy dọc ngang thênh thang, vươn ra tận cánh đồng, nhân dân đã hiến hơn 10.000m2 đất, tháo dỡ 2.000m tường rào. Nhiều công trình, hạng mục đầu tư mới hoặc sửa chữa đang và sẽ phát huy hiệu quả sử dụng với nhà văn hóa và khu trung tâm thể thao xã, chợ Hà Nha, trạm y tế; cùng với đó là 8 nhà sinh hoạt văn hóa và khu thể thao thôn. Các trường THCS Kim Đồng, Tiểu học Hồ Phước Hậu, Tiểu học Nam Trân, Mầm non xã Đại Đồng cũng được nâng cấp, xây mới nhiều hạng mục đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Bằng các nguồn hỗ trợ, Đại Đồng cũng đã xóa trên 160 ngôi nhà dột nát, xuống cấp và nhiều công trình phúc lợi xã hội, đền ơn đáp nghĩa khác. Không ai bảo ai, nhân dân tự chỉnh trang xây dựng nhà cửa, tường rào cổng ngõ, cải tạo vườn tạp góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn xã nhà.