Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua trên địa bàn tỉnh bệnh lở mồm long móng đã xảy ra làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của tỉnh (làm chết và tiêu hủy hơn 600 con heo). Ngoài ra, từ đầu tháng 2.2019, bệnh DTHCP lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và lây lan nhanh ra các địa phương. Đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 82.181 con. Đặc biệt, bệnh đã xuất hiện tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế gần địa phận Quảng Nam.
Để chủ động ứng phó với mọi tình huống diễn biến dịch bệnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống DTHCP, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20.2.2019 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và của tỉnh về việc quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn chặn DTHCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mối nguy hại, cơ chế lây truyền, biện pháp phòng chống bệnh DTHCP và các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân nếu không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo, sản phẩm heo làm lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các hành vi che giấu, không khai báo kịp thời thông tin về động vật mắc bệnh. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống bệnh DTHCP tại địa bàn mình quản lý.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, tình hình thực tế tại địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng chống bệnh DTHCP và các bệnh truyền nhiễm khác trên vật nuôi, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh; quan tâm hỗ trợ công tác phòng chống dịch; thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ, cơ sở chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh và bị tiêu hủy theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các cơ quan báo chí của tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống bệnh DTHCP. Công tác truyền thông phải kịp thời, chính xác theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt heo vừa tránh gây hoang mang trong xã hội. Vận động người chăn nuôi, người kinh doanh, giết mổ thực hiện đầy đủ “5 không” theo đúng quy định của Luật Thú y: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín để nuôi heo. Vận động người chăn nuôi thực hiện tiêu hủy triệt để khi heo mắc bệnh DTHCP.
MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát, tố giác các hành vi giấu dịch, bán chạy, buôn bán vận chuyển, giết mổ heo bệnh với cơ quan chức năng; tuyên truyền vận động người dân hiểu đúng về DTHCP…