Ông Tiến bên trang trại heo rừng của mình. Ảnh: NHẬT TRƯƠNG
Ông Tiến kể, năm 1996, sau một thời gian dài gắn bó với một HTX nông nghiệp, ông về quê và bắt tay vào đào ao nuôi cá, trồng keo, bạch đàn, xen vào đó là một số cây sắn, khoai trên vùng đất đồi trọc tại thôn Bích Trung. Từ mảnh đất cằn cỗi chỉ có một số loại cây chịu hạn tốt mới sống được, ông Tiến đã áp dụng mô hình vườn - rừng, lấy ngắn nuôi dài để phát triển một số loại cây trồng và con vật nuôi.
Việc khai phá mảnh đất và trồng một số loại giống chưa cho quả ngọt thì lão nông Trần Tiến lại được tín nhiệm giữ chức Chủ nhiệm HTX Mỹ Tân An (Tam Xuân 1). Mười năm làm chủ nhiệm HTX, ông Tiến không ngừng học hỏi thêm những kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt và chăn nuôi.
Năm 2008, ông về hưu và bắt đầu tập trung vào việc phát triển mô hình kinh tế còn dang dở. Theo lão nông này, việc làm kinh tế vườn - rừng của ông phải kết hợp được giữa các mô hình, bắt nguồn từ việc đào ao nuôi đủ loại cá, lấy nước dưới ao tưới cho vườn rau...
Cũng trong năm 2008, ông Tiến thu một số loại cây mà ông đã trồng trước đó được 150 triệu đồng. Có nguồn vốn, ông tiếp tục đầu tư vào nhiều tiểu dự án như mở chuồng trại nuôi heo rừng lai và xây dựng vườn ươm.
Đặc biệt với mô hình chăn nuôi heo rừng lai, từ một số con heo giống ban đầu, ông Tiến đã tự nhân đàn với số lượng lớn. Qua nhiều năm nhân giống vừa nuôi heo rừng vừa tích góp kinh nghiệm, đến nay trang trại heo rừng của ông có tổng đàn hơn 200 còn và xuất bán mỗi ngày.
"Nuôi heo rừng phải tích lũy kinh nghiệm. Heo giống tôi bán cho những dự án nhà nước hỗ trợ cho bà con miền núi, heo thịt tôi bán cho các nhà hàng ở Tam Kỳ, Đà Nẵng. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nhân rộng số đàn" - ông Tiến chia sẻ.
Ngoài mô hình vườn - ao - chuồng cho hiệu quả cao, ông Tiến còn xây dựng vườn ươm để phát triển kinh tế và tạo việc làm cho nhiều lao động. Mỗi năm, vườn ươm của ông trồng hơn 10.000 cây cau và hơn 1.500 cây lim..., mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Không dừng lại ở đó, năm 2013 ông Tiến thành lập Công ty Tiến Thiên Tân với công việc chủ yếu là khai thác, trồng mới và bảo vệ rừng. Đến nay, công ty đã trồng được khoảng 200ha rừng phòng hộ, khai thác 40ha nhựa thông tại rừng phòng hộ Phú Ninh, trồng 130ha rừng phủ xanh cho dự án thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My). Công ty còn giải quyết việc làm cho gần 100 lao động mỗi ngày, chủ yếu là người đồng bào.