Bình Nam là xã bãi ngang ven biển có 80% nhân dân sống bằng nông nghiệp. Với điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn, trên lĩnh vực trồng trọt đất đai cằn cõi bạc màu chua phèn, nhiễm mặn, thủy lợi ở cuối nguồn, sản xuất chủ yếu dựa vào nước trời. Trên lĩnh vực khai thác đánh bắt hải sản, phương tiện thô sơ, chỉ khai thác gần bờ nên năng suất đạt rất thấp, giá trị sản phẩm lại không cao. Trên lĩnh vực chăn nuôi thì manh muốn tự phát không theo quy trình, hệ lụy của nó ảnh hưởng đến môi trường và khả năng bùng phát dịch bệnh rất lớn. Vì vậy, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng nêu trên và sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” ban hành; Đảng ủy xã đã xác định việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đã triển khai thực hiện có hiệu quả; trên dịa bàn xã có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế được hình thành, nâng cao thu nhập cho người nông dân như: Mô hình phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc, chăn nuôi bò nhót chuồng, nuôi tôm nước lợ, chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi thỏ… Gần đây là các tổ hợp tác (THT), HTX cũng được hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả như: HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Nam, THT ép dầu, THT sản xuất bánh tráng đa nem, THT chăn nuôi gà, các THT đánh bắt trên biển…
Nói đến mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học phải kể đến hộ của ông Lê Duy Đức ở thôn Tịch Yên. Khi khởi đầu nghề nuôi gà của hộ ông Lê Duy Đức và một số hộ khác, vào năm 2010 các hộ chăn nuôi chỉ ở mức là gia trại quy mô khoản 2.000- 4.000 con/năm, dịch bệnh thường xuyên rình rập. Đến năm 2014 các hộ nuôi áp dụng quy trình kỹ thuật đệm lót sinh học vào trong chăn nuôi thì nhận thấy hiệu quả khá cao; từ đó ông mạnh dạn nâng tổng đàn lên quy mô lớn, khoảng từ 10.000 đến 20.000 con/năm. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: cách làm đệm lót sinh học đơn giản và dễ làm. Nguyên liệu chủ yếu là vỏ trấu, nguồn sẵn có ở địa phương, men vi sinh balacsa giá thành rẻ chỉ 60.000/kg /40m2 nền chuồng.
Sau khi đánh giá hiệu quả từ mô hình chăn nuôi này đem lại, Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp xã đã vận động các hộ nuôi trên địa bàn xã thành lập THT chăn nuôi do ông Đức làm tổ trưởng với quy mô tổng đàn 150.000 con trên năm. Nhằm mục đích quản lý vùng nuôi, áp dụng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, qua đó đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đến nay, sản phẩm của THT đã được thị trường chấp nhận. Vào cuối năm 2017, THT đã ký kết liên danh với một danh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh sản xuất gà sạch theo quy trình, cung ứng cho thị trường thành phố với số lượng là 100.000 con trên năm (bình ổn giá tại thời điểm ký kết). Với mô hình này đã đem lại lợi nhuận ròng cho người chăn nuôi khoản trên 20 triệu đồng trên 1.000 con gà.
Nhìn chung chăn nuôi trên môi trường đệm lót sinh học vật nuôi phát triển tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh, giảm được 50% chi phí nhân công, góp phần đêm lại lợi nhuận kinh tế cao cho người chăn nuôi. Từ một người nông dân lam lũ, ông Lê Duy Đức đã vươn lên làm giàu, nhờ sự cần cù, chịu khó và tính toán năng động, đã đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi gà áp dụng đệm lót sinh học theo hướng nông nghiệp sạch, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông là một tấm gương điển hình nông dân sản xuất giỏi đã được Thủ Tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Đối với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trước tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn như vậy, tiếp thu sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp. BCĐ sản xuất Nông nghiệp xã tham mưu Đảng ủy có chủ trương, HĐND có nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế và giao UBND tổ chức triển khai bà con nông dân thực thực hiện. Sau khi khảo sát lấy ý kiến nông dân và trồng thử nghiệm, xã đã chọn đối tượng là cây đậu phụng để thay thế cho cây lúa ở diện tích cho năng suất thấp. Qua công tác tuyên truyền, vận động, đến nay xã Bình Nam đã chuyển đổi thành công 140ha từ diện tích đất 2 vụ lúa kém hiệu quả sang 1 vụ lúa, 1 màu. Cụ thể 1 vụ lúa ngắn ngày ở Đông Xuân và 1 vụ màu sản xuất chuyên canh cây lạc ở vụ Xuân Hè với giống lạc sẻ địa phương để chế biến dầu đậu phụng đang được thị trường ưa chuộng.
Ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết: Thông qua phương án tích tụ tập trung ruộng đất thì đây là lần đầu tiên áp dụng thành công cơ giới hóa vào sản xuất cây lạc tại địa phương (khâu làm đất và khâu thu hoạch) qua đó giảm được 50% chi phí nhân công lao động. Khi HTX liên kết với nông dân sản xuất đại trà, chăm sóc quản lý được áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất trong vùng tích tụ tập trung ruộng đất đạt 22 tạ/ha. Giá trị sản phẩm sau khi chế biến thành dầu phụng là 66 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, qua nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thông qua Phương án tích tụ tập trung ruộng đất ở Bình Nam đã xây dựng được cánh đồng có giá trị sản phẩm 100 triệu đồng/năm/ha.
Mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học của ông Lê Duy Đức ở thôn Tịch Yên
Cánh đồng mẫu trồng cây đậu phộng cho năng suất cao ở Bình Nam
Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực của người dân, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và phát triển các mô hình kinh tế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện tại ở xã Bình Nam các mô hình kinh tế cây trồng, vật nuôi...đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đây là một hướng đi đúng trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.