hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Hỗ trợ hộ nghèo yếu thế (06/07/2018)
Với quan điểm không để hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau, Quảng Nam đang tính phương án hỗ trợ hộ nghèo để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó là những hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, người có công.

Hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội có thể tác động giảm nghèo được bằng cách hỗ trợ sinh kế. Ảnh: D.L

Hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội có thể tác động giảm nghèo được bằng cách hỗ trợ sinh kế. Ảnh: D.L

Hộ nghèo yếu thế

Hộ nghèo yếu thế có hai nhóm, gồm hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội và hộ nghèo thuộc diện người có công. Theo Sở LĐ-TB&XH, nhóm hộ nghèo diện chính sách bảo trợ xã hội toàn tỉnh có 9.377 hộ với hơn 15 nghìn nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng. Nhóm hộ nghèo này, gia đình có ít nhất một thành viên là đối tượng thuộc chính sách bảo trợ xã hội và các thành viên khác trong hộ không có khả năng lao động. Có thể chia thành nhóm hộ nghèo không thể tác động giảm nghèo bằng sinh kế, gồm diện thuộc hộ là người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, không có người nào trong hộ đang đi học (có khoảng 6 nghìn hộ), và diện thuộc hộ có thành viên là người cao tuổi, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng mà trong đó có người cao tuổi từ 60 - 80 tuổi chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng (khoảng 2 nghìn hộ). Và nhóm hộ nghèo diện bảo trợ xã hội nhưng có thể tác động bằng sinh kế để giảm nghèo trong tương lai, đó là những người đơn thân nuôi con nhỏ và trẻ em mồ côi cha mẹ (có 1.377 hộ). Hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công toàn tỉnh có 846 hộ (miền núi có 771 hộ, đồng bằng 75 hộ).

Theo ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, các chính sách giảm nghèo đang thực hiện đối với nhóm này tác động đến từng cá nhân của hộ nghèo như chính sách y tế, hỗ trợ đóng 100% mệnh giá thẻ BHYT, hỗ trợ tiền ăn, vận chuyển khi điều trị nội trú ở bệnh viện, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, học nội trú, bán trú, học nghề... Chính sách tác động đến từng hộ nghèo như cho vay hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở, tiền điện, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, xây dựng mô hình giảm nghèo; trợ giúp pháp lý, miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn... Ông Hòa cho biết: “Tuy có nhiều chính sách, tác động trực tiếp và gián tiếp nhưng không thể tác động giảm nghèo với nhóm hộ nghèo yếu thế. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành xây dựng một chính sách mới nhằm trợ giúp cho nhóm này, với quan điểm đầu tiên là bằng cách nào đó tác động để nâng mức sống cho hộ nghèo nhóm bảo trợ xã hội và người có công. Nhóm không thể tác động giảm nghèo thì trợ cấp hàng tháng bằng tiền mặt, nhóm có thể tác động thì hỗ trợ sinh kế bền vững để giảm nghèo. Các phương án đưa ra thế nào cũng phải tính đến nguồn ngân sách tỉnh đảm bảo được, vừa thực hiện được chính sách an sinh lâu dài của tỉnh”.

Tác động trên cơ sở tự nguyện

Tại cuộc họp bàn về xây dựng các chính sách hỗ trợ với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính vào ngày 3.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết quan điểm của tỉnh là ưu tiên thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho hộ nghèo yếu thế để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là chính sách mới, do tỉnh tự cân đối ngân sách thực hiện đầu tiên trong cả nước. Theo các phương án mà Sở LĐ-TB&XH xây dựng để lấy ý kiến các sở, ngành thì nhóm hộ nghèo bảo trợ xã hội không thể tác động giảm nghèo sẽ được trợ cấp hàng tháng để cải thiện thu nhập, đảm bảo bằng với chuẩn mức sống trung bình ở khu vực thành thị là 1,3 triệu đồng/người/tháng, nông thôn là 1 triệu đồng/người/tháng. Hộ nghèo bảo trợ xã hội và người có công có thể tác động giảm nghèo sẽ được hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo. Nếu chọn phương án là trợ cấp bằng tiền mặt cho hộ nghèo bảo trợ xã hội thì nhu cầu kinh phí dao động từ 165 đến 436 tỷ đồng. Khi chọn phương án cấp bù phần chênh lệch sau khi đã trừ đi phần trợ cấp hàng tháng họ đã nhận để đạt chuẩn mức sống tối thiểu thì cần từ 145 đến 354 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh khẳng định tỉnh sẽ tính phương án trợ cấp bằng tiền mặt nhằm đảm bảo mức sống trung bình đối với các hộ nghèo diện bảo trợ xã hội bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình đối với hộ nghèo diện người có công. Khi đó, nhóm hộ nghèo không thể tác động giảm nghèo bằng sinh kế này sẽ không còn nằm trong danh sách hộ nghèo của tỉnh nữa vì mức thu nhập đã trên mức quy định là hộ nghèo. Dĩ nhiên chính sách được thực hiện dựa trên sự tự nguyện đăng ký của hộ nghèo. Nếu họ chọn được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng khoản tiền nhất định thì sẽ không còn là hộ nghèo, không được hưởng các chính sách dành cho hộ nghèo (trừ chính sách diện bảo trợ xã hội trung ương đang thực hiện dành cho người già trên 80 tuổi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng). Bên cạnh đó, các tiêu chí thiếu hụt đa chiều của hộ nghèo về nhà ở, nhà vệ sinh, phương tiện nghe nhìn... cũng sẽ được tác động để giảm các chỉ số thiếu hụt đa chiều.

Đối với nhóm tác động giảm nghèo được bằng sinh kế thì được hỗ trợ học tập, học nghề, giải quyết công ăn việc làm, hỗ trợ mô hình giảm nghèo... Phó Chủ tịch Lê Văn Thanh yêu cầu Sở LĐ-TB&XH trên cơ sở quan điểm chung của tỉnh, phối hợp với các sở, ngành xây dựng lại đề án về chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với hộ nghèo bảo trợ xã hội, người có công, trình UBND tỉnh cho ý kiến trong thời gian sớm nhất, và trình HĐND tỉnh xem xét thông qua trong kỳ họp cuối năm nay.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  926 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com