Ông Võ Đăng Ghi đo độ mặn để kết tinh muối sạch. Ảnh: V.QUANG
Sản xuất muối sạch
Các cánh đồng muối trên địa bàn xã Tam Hòa - địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh còn duy trì nghề làm muối, không khí vào vụ mùa sản xuất mới tất bật trở lại từ cuối tháng 3 này. Hiện nghề làm muối của xã chỉ còn tồn tại ở 2 thôn Bình An và Hòa Bình. Trước đây, diêm dân Tam Hòa sản xuất muối bằng cách khoanh ruộng, be bờ rồi dẫn nước từ sông vào ruộng để kết tinh rồi thu hoạch muối. Nay cách thức sản xuất muối của diêm dân nơi đây đã được cải tiến, đầu tư chu đáo hơn để tạo ra nguồn muối sạch. “Dẫn nước từ sông vào ruộng muối bắt buộc phải đầu tư hệ thống thủy lợi, tốn kém, mất công mà chất lượng muối chưa chuẩn vì bụi khiến cho hạt muối không được trắng tinh. Nhận thấy điểm yếu đó, chúng tôi quyết định thay đổi sản xuất, hút nước mặn tại chỗ, cho vào ao chứa lắng để tăng độ mặn từng ngày rồi mới cấp vào ruộng muối lót bạt, kết tinh để thu hoạch” - ông Võ Đăng Ghi ở thôn Bình An cho biết. Để sản xuất muối sạch trên 9 sào diện tích, ông Ghi đầu tư 1 hệ thống bơm nước, 4 ao chứa lắng và 14 ruộng muối lót bạt liền kề nhau. “Vụ sản xuất muối ở năm trước kéo dài từ tháng 3 cho đến tháng 9, tôi thu hoạch được 70 tấn muối, bán được hơn 70 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua bạt, thuê nhân công, lãi được 10 triệu đồng. Năm nay không phải đầu tư bạt nên kỳ vọng sẽ thu được vài chục triệu đồng sau nửa năm sản xuất muối sạch” - ông Ghi nói.
Tại thôn Hòa Bình, các diêm dân cũng đang bước vào vụ sản xuất muối mới. Hiện nhiều hộ đã dẫn nước mặn vào ruộng muối và sẽ thu hoạch mẻ muối đầu sau vài ngày nữa. Trong khi đó, nhiều hộ vào vụ muộn hơn thì đắp bờ, chia tách nhiều ao muối, lót bạt trên từng thửa ruộng để sắp sửa tạo muối sạch. “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn với vụ sản xuất muối năm trước, khi giá chỉ ở mức 1 nghìn đồng/kg muối. Nghe nói năm nay, giá muối đầu vụ đã nhích lên 1.500 đồng/kg nên diêm dân có phần phấn khởi. Không biết đến lúc cuối vụ có bán được muối với giá đó không. Năm nào cũng vậy, được mùa thì bị ép giá đầu ra” - bà Nguyễn Thị Pho ở thôn Hòa Bình, nói. Nhiều diêm dân cho rằng, năm nay thời tiết thuận lợi, nắng sớm nên tranh thủ thời gian, khẩn trương vào vụ. Diễn biến giá muối tăng trên thị trường là tín hiệu vui nhưng không khiến cho các gia đình diêm dân bớt lo toan, nhấp nhổm. Vì năm nào cũng vậy, cứ hễ đến cuối vụ là thương lái, đầu nậu o ép giá khi cho rằng, muối đang thừa ra trên thị trường.
“Nút thắt” đầu ra
Ông Ngô Văn Hiệp - cán bộ phụ trách thủy sản (Ban Kinh tế xã Tam Hòa) cho biết, tổng diện tích sản xuất muối ở 2 thôn Bình An và Hòa Bình là 15ha. Tuy nhiên, do giá muối rớt thê thảm trong nhiều năm qua nên không ít diêm dân đã bỏ hoang ruộng muối. Thay vì dầm mình trong nắng, trong gió làm muối, họ chuyển nghề sang làm phụ hồ, công nhân, hoặc đi biển. Tổng diện tích sản xuất muối trong năm 2018 dự kiến là 8,5ha. “Tùy theo thời tiết nắng nhiều hay mưa nhiều tuy nhiên bình quân năng suất sản xuất muối sạch đạt chừng 60 tấn/ha. Tổng sản lượng muối diêm dân thu hoạch được trong năm 2017 là 510 tấn. “Nghề muối đòi hỏi diêm dân phải lao lực, làm việc luôn trưa trong cái nắng gắt mùa hè nhưng thu nhập rất thấp. Vấn đề đầu ra luôn bức bí nên nhiều hộ đã không gắn bó với nghề vì thế mà nghề muối truyền thống đang ngày một lao đao” - ông Ngô Văn Hiệp nói.
Lo với đầu ra của muối sạch nhưng ông Hiệp cũng bày tỏ lạc quan với vụ sản xuất mới của diêm dân. “Các năm trước, diêm dân được hỗ trợ một phần kinh phí của tỉnh nên đã bước đầu đầu tư sản xuất muối sạch bằng cách lót bạt và hút nước ngầm làm muối thay vì dẫn nước mặn về ruộng từ sông. Phương pháp làm muối mới đã cho thấy muối sạch kết tinh có chất lượng tốt, kích thước hạt to hơn, có màu trắng trong, không lẫn tạp chất. Nhờ đó, muối sạch cũng đã được tiêu thụ mạnh hơn so với muối sản xuất thủ công trên nền đất trước đây” - ông Hiệp nói. Theo ông Hiệp, trong điều kiện thời tiết nắng tốt, mỗi hécta muối trải bạt có thể cho năng suất đạt hơn 100 tấn/ha/vụ, cao hơn 30 - 50 tấn/ha/vụ so với sản xuất muối truyền thống. Ngoài ra, sản xuất muối trải bạt bằng nguồn nước hút tại chỗ còn giảm được công lao động bởi không phải nén lại nền đất sau 2 - 3 đợt thu hoạch. “Hy vọng từ nay cho đến cuối vụ, thời tiết thuận lợi giúp diêm dân thu được sản lượng muối cao. Mong rằng, với chất lượng muối vượt trội thì diêm dân sẽ bán được muối với giá phải chăng, ổn định thu nhập” - ông Ngô Văn Hiệp cho biết thêm.
Ông Phạm Viết Hoàng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hòa cho rằng, chất lượng muối được sản xuất ở địa phương cao hơn hẳn mặt bằng chung ở nhiều nơi trên cả nước. Bởi vậy, hợp tác xã rất muốn đồng hành với diêm dân 2 thôn Bình An và Hòa Bình để ổn định hơn giá sản phẩm bán ra thị trường. “Chúng tôi đã huy động được nguồn vốn 1,3 tỷ đồng để đầu tư nhà máy chế biến muối. Hợp tác xã hoàn toàn có thể mua hết muối thương phẩm của diêm dân trên địa bàn về chế biến rồi bán lại. Chúng tôi đang chạy đôn chạy đáo để xúc tiến ký hợp đồng với doanh nghiệp, qua đó bao tiêu sản phẩm cho diêm dân trong thời gian ngắn nhất sắp tới” - ông Phạm Viết Hoàng nói.