hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Vào vụ mới nuôi tôm nước lợ (05/02/2018)
Theo hướng dẫn của ngành chức năng, nuôi tôm nước lợ vụ 1 trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 1.2. Năm nay nhiều hộ nuôi đầu tư ao nuôi bài bản, liên kết sản xuất và chọn mua con giống chất lượng về thả nuôi.

Một số hộ đầu tư lót bạt nuôi tôm ở vùng triều ven sông.Ảnh: QUANG VIỆT

Một số hộ đầu tư lót bạt nuôi tôm ở vùng triều ven sông.Ảnh: QUANG VIỆT

Đầu tư kỹ

Ngày 1.2, ông Trương Công Văn (thôn Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) thả nuôi 20 vạn con giống tôm thẻ chân trắng trên ao nuôi có diện tích 2.000m2. “Tôi thả nuôi tôm đúng lịch vì thấy thời tiết thuận lợi, nắng lên. Tất cả con giống đều được vận chuyển về từ Ninh Thuận, giống Việt Úc. Tôi đã cải tạo ao nuôi kỹ càng, vét sạch bùn đất, phơi khô nước rồi mới hút bơm nước ngầm dưới lòng đất lên” - ông Văn nói. Hơn 10 năm nuôi tôm, ông Văn cho biết đã trải qua nhiều vụ được mất. Có vụ ông lãi gần 1 tỷ đồng nhưng cũng có vụ ngay sau đó thất bại cả trăm triệu đồng. “Mình đầu tư có kỹ càng rồi mới mong thành công. Nuôi tôm lớn đến đâu, xử lý đến đó, chăm sóc chu đáo từng công đoạn” - ông Văn cho biết thêm.

Theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, nông hộ chỉ nên nuôi tôm 2 vụ/năm, bắt đầu từ ngày 1.2, kết thúc 30.9. Riêng đối với các cơ sở nuôi tôm có điều kiện hạ tầng kiên cố, có lót bạt nuôi tôm thì có thể thả nuôi quanh năm. Tuy nhiên nông hộ lưu ý, thời điểm tháng 6 - 7 rất nắng nóng, không nên thả tôm giống và chủ động chăm sóc kỹ càng tôm đang nuôi, xử lý phù hợp theo hướng dẫn kỹ thuật. Thời điểm tháng 9 - 10 hay có lũ lụt nên thu hoạch sớm, tránh thất thoát tôm nuôi.

Tại xã Cẩm Thanh - vựa tôm lớn nhất TP.Hội An, nhiều nông dân cũng đã thả giống tôm thẻ chân trắng xuống ao nuôi. Ở khu vực này, nhiều nông hộ đã đầu tư lót bạt cho ao nuôi - điều hiếm thấy trong nuôi tôm ở các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Ý (thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh) đầu tư nuôi tôm trên 3 ao nuôi có tổng diện tích 3.000m2, cho biết: “Vùng triều ven sông có mạch nước nhỉ rất lớn, nguồn nước trong ao nuôi được xử lý kỹ càng rồi nhưng sẽ được bổ sung nước nhỉ ngoài ý muốn khiến môi trường nước bị đảo lộn, dễ gây bệnh cho tôm. Để khắc phục tình trạng này, tôi lót bạt cho ao nuôi, tốn thêm vài chục triệu đồng”.

Nhiều hộ nuôi tôm ở thôn Võng Nhi đã tập hợp lại thành lập mô hình nuôi tôm cộng đồng. Mỗi tổ cộng đồng có khoảng 10 hộ nuôi, cùng đồng loạt cải tạo ao nuôi, cùng nhau mua giống tôm chất lượng cao, thả giống cùng thời điểm, cùng phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh. “Không có chuyện xả tôm chết chưa qua xử lý ra ngoài. Hộ nuôi tôm nào cũng giống nhau, được thì được cả mà mất thì mất trọn. Môi trường nuôi tôm ổn định nên hy vọng vụ 1 của năm này có lãi” - ông Phạm Thành Tài, Tổ trưởng tổ cộng đồng nuôi tôm số 2 (thôn Võng Nhi) nói.

Tập trung xử lý nguồn nước

Quảng Nam có khoảng 3.000ha ao nuôi tôm ở vùng triều ven sông. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại giá trị kinh tế cao, vượt trội so với các nghề khác nếu người nuôi thành công. “Chúng tôi đã phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tổ chức phổ biến hướng dẫn nuôi tôm nước lợ cho hầu hết bà con nuôi tôm. Các quy trình kỹ thuật như cải tạo ao nuôi, khống chế mầm bệnh, cách chăm sóc, xử lý nguồn nước, thức ăn, vật tư nuôi tôm, thời điểm thả tôm giống đều đã được tập huấn, tuyên truyền” - bà Tâm nói. Theo bà Tâm, do hạ tầng các vùng triều nuôi tôm chưa được đầu tư bài bản, các nông hộ nên trích chừng 20% tổng diện tích để đầu tư ao chứa lắng xử lý sạch nguồn nước trước khi nuôi tôm cũng như xả thải ra ngoài để khống chế các yếu tố mầm bệnh. Các nông hộ không nên ham rẻ mua tôm giống chợ mà nên đặt mua tôm giống chất lượng, có giấy phép, kiểm dịch rõ ràng của các công ty sản xuất giống tôm uy tín về nuôi. Men vi sinh, chế phẩm sinh học hài hòa với môi trường nên được nông hộ sử dụng trong quá trình nuôi tôm thay cho hóa chất, kháng sinh không được khuyến cáo.

Hiện tại, chỉ có những hộ nuôi tôm quy mô lớn và các tổ cộng đồng nuôi tôm mới có thể đặt mua tôm giống chất lượng của các thương hiệu uy tín như C.P, U.P, Việt Úc, Nam miền Trung rồi chuyển về từ Ninh Thuận, Bình Thuận. Hầu hết hộ nuôi tôm quy mô nhỏ không mua được các loại giống tôm này do nhu cầu số lượng ít. Trong khi đó, không thiếu các trường hợp tôm giống nhái, dán nhãn của thương hiệu lớn rồi mua giấy kiểm dịch giả trưng vào, qua mắt ngành chức năng. Tại Quảng Nam, tôm giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, tôm giả vẫn tràn lan lâu nay. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận thực trạng này và cho rằng, việc kêu gọi, thu hút đầu tư sản xuất tôm giống ở Trung tâm Sản xuất & kiểm định giống thủy sản Quảng Nam (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) đang tiến triển thuận lợi. Hiện tại, đã có 2 doanh nghiệp là Kim Hoàn và Long Thịnh Hưng đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, sẽ đi vào sản xuất trong năm này, dự kiến đáp ứng đủ nhu cầu tôm giống sạch của tỉnh. “Chúng tôi đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm trên diện tích lớn ở vùng triều. Nhiều cơ chế khuyến khích đang được ban hành như thời gian thuê đất, hỗ trợ nuôi tôm sạch, hỗ trợ đầu tư điện, đường... Các nông hộ cũng có thể tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác để tiếp cận chính sách, đầu tư nuôi tôm quy mô, bài bản hơn” - ông Ngô Tấn nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  737 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 10 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com