Phun thuốc bảo vệ lúa đông xuân. Ảnh: Văn Phin
Trên cánh đồng Phú Quý, xã Tam Mỹ Đông, bà con nông dân ở đây tất bật ra đồng sản xuất, chăm bón lúa đông xuân. Đồng Phú Quý có diện tích hơn 80ha, sau những ngày mưa lạnh, trời hửng nắng, bà con tập trung ra đồng xuống giống gieo sạ hết diện tích. Ông Trần Văn Hồ - Phó ban Nông nghiệp xã Tam Mỹ Đông chia sẻ: “Toàn xã sản xuất 339ha lúa, trong đó có 20ha lúa nước trời đã được 15 ngày tuổi đang phát triển tốt. Chúng tôi đang tập trung ra đồng chăm bón và phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông xuân ngay từ đầu vụ”. Ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết: “Vụ đông xuân 2017-2018, huyện sản xuất 6.300ha, trong đó có 4.200ha lúa (gồm 3.400ha lúa chủ động nước, 800ha lúa không chủ động nước). Hiện nay, lúa đông xuân ở chân ruộng nước trời trong giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, lúa chủ động nước chủ yếu giai đoạn mạ, còn khoảng 500ha lúa chính vụ chủ động nước đang xuống giống. Thời tiết mưa lạnh kéo dài nên cây lúa sinh trưởng phát triển chậm, chúng tôi đang theo dõi tình hình dịch hại trên đồng ruộng để có biện pháp phòng trừ bảo vệ”.
Vào thời điểm chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất, theo chỉ đạo của Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, bà con nông dân không nên lơ là trong công tác chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông xuân. Kỹ sư Hà Văn Tâm - Trạm Kỹ thuật nông nghiệp huyện lưu ý: “Hiện tại bà con nông dân cần tăng cường công tác quản lý dịch hại, bảo vệ lúa đông xuân. Theo đó, đối với bọ trĩ, ruồi đục nõn, nông dân cần chú ý trên lúa trà 3, lúa sạ muộn. Những chân ruộng bị bọ trĩ, ruồi đục nõn gây hại, cần tăng cường bón phân chăm sóc để giúp cây lúa phát triển, nhanh phục hồi; không để ruộng khô nước khi bị bọ trĩ gây hại nặng. Khi cần thiết có thể sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, trên lúa nước trời hiện tại sâu phổ biến giai đoạn nhộng, sâu non của đợt bướm này sẽ gây hại lá đòng...”. Cũng theo kỹ sư Hà Văn Tâm, các địa phương và bà con nông dân phải theo dõi chặt chẽ lứa sâu giai đoạn nhộng, sâu non, thường xuyên kiểm tra ruộng khi thấy bướm ra rộ, sau 4 - 5 ngày thì sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu phun trừ. Hiện tại, chuột ăn hạt giống cục bộ, đặc biệt trên những ruộng lúa khô nước; ốc bươu vàng cắn phá lúa non ở một số vùng. Để giảm thiệt hại do chuột, ốc bươu vàng gây ra, nông dân cần tăng cường thu nhặt ốc bươu vàng và đồng loạt ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp như phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương để hạn chế nơi cư trú của chuột; đặt bẫy, đánh bả bằng thuốc sinh học, hóa học.
Để bảo vệ lúa đông xuân vào thời điểm hiện nay, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cũng đề nghị bà con nông dân tranh thủ tỉa dặm và bón phân thúc kịp thời để lúa chính vụ đẻ nhánh tập trung; bón phân cân đối, cần chú ý bón phân ka-li để giúp cây lúa đẻ nhánh tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và chống rét cho lúa; không nên bón phân khi trời rét lạnh và âm u kéo dài. Tết Mậu Tuất đã cận kề, vì thế, Trạm Kỹ thuật nông nghiệp huyện đề nghị các xã , thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp chỉ đạo, khuyến cáo nông dân tăng cường chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông xuân nhằm đạt vụ mùa bội thu.