|
Vườn tiêu hơn 400 choái của bà Võ Thị Hương, thôn 4 xã Tiên Phong. Ảnh: P.H |
Mô hình mới
Năm ngoái, xã Tiên Hà chọn khu dân cư Tiên Tráng làm điểm xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu để nhân rộng trên địa bàn và chọn mô hình trồng cây cam bản địa để khuyến khích đầu tư nhân rộng. Xã đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình NTM, chương trình giảm nghèo bền vững với tổng số tiền gần 340 triệu đồng hỗ trợ 76 hộ trồng mới 7,6ha cây cam, 1.400 cây bưởi da xanh, 27 con bò giống cho các hộ đăng ký thoát nghèo năm 2018. Ông Bùi Văn Thuấn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi xác định tập trung nguồn lực để xây dựng khu dân cư làm điểm sau đó lại tập trung cho khu dân cư khác để từng bước nhân rộng, không đầu tư dàn trải. Năm 2018, xã tiếp tục tranh thủ các cơ chế hỗ trợ để khuyến khích nhân dân thôn Tiên Tráng phát triển cây cam da trơn bản địa, đồng thời chỉnh trang trục đường chính của thôn với chiều dài 300m, vận động nhân dân ra quân trồng hoa hai bên đường, chú trọng khâu xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, tiếp tục nhân rộng các mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”, xây dựng tủ thuốc gia đình”.
Còn tại xã Tiên Phong, gia đình bà Võ Thị Hương ở tại thôn 4 được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng xây dựng mô hình “nhà sạch, vườn đẹp” đã đầu tư chỉnh trang, phục hồi khu vườn tiêu rộng gần 2.000m2 của gia đình với hơn 400 choái tiêu Tiên Phước phát triển xanh tốt. Trong đó có gần một nửa diện tích đã cho thu hoạch. Trong vụ tiêu năm ngoái, gia đình bà đã thu được gần 1 tạ tiêu khô, nguồn thu hơn 50 triệu đồng. Bà Hương nói: “Gia đình tôi có làm vườn trồng tiêu hàng chục năm nay nhưng trước đây do giá tiêu bấp bênh nên không có điều kiện để chăm sóc chu đáo. Từ khi có chương trình NTM, được tham gia câu lạc bộ trồng tiêu của xã để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên tôi có điều kiện phục hồi các choái tiêu cũ và nhân rộng ra hết khu vườn”. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nhận định: “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cùng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ khác đã có tác động tích cực đến đời sống kinh tế của nhân dân trong huyện. Năm 2017, toàn huyện đã xây dựng mới 120 mô hình phát triển kinh tế kết hợp tạo cảnh quan, môi trường sạch, đẹp. Trong đó có 90 mô hình trồng tiêu 100 choái, 1 mô hình 500 choái, 14 mô hình chỉnh trang vườn nhà xanh - sạch - đẹp, 15 mô hình trồng thanh trà, cây ăn quả các loại. Tổng thu nhập từ các loại cây trồng đặc sản của huyện như: tiêu, thanh trà, lòn bon, cau, chuối… đạt hơn 200 tỷ đồng”.
Diện mạo mới
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, năm 2017, nhân dân thôn 1, xã Tiên Thọ đã đoàn kết, giúp đỡ nhau áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống về mọi mặt. Hiện cả thôn chỉ còn 10 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ dưới 8%. Nhờ thế, nhân dân trong thôn có điều kiện tham gia xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào, cuộc vận động tại địa phương như đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, ra mắt câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, nhóm phòng chống bạo lực gia đình hiến đất và tài sản xây dựng đường giao thông... Đặc biệt, nhân dân trong thôn đã tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất, ruộng và đóng góp hơn 70 triệu đồng để san lấp mặt bằng, trồng cây xanh, bắt điện phục vụ xây dựng khu sinh hoạt văn hóa thôn khang trang gồm các hạng mục nhà sinh hoạt, sân thể thao, tường rào cổng ngõ, nhà vệ sinh với tổng kinh phí xây dựng hơn 500 triệu đồng thay thế cho khu nhà thôn cũ vốn chật hẹp, xuống cấp trầm trọng. Ông Huỳnh Long Nhân - Thôn trưởng thôn 1, xã Tiên Thọ cho hay: “Mặc dầu mảnh ruộng, thửa vườn là tài sản quý giá của người dân nhưng qua tuyên truyền, vận động, bà con đã thấy được tính thiết thực của công trình này nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của nhân dân nên đã vui vẻ đóng góp để xây dựng công trình”.
Năm 2017, từ nguồn vốn chương trình NTM, huyện đã đầu tư xây dựng 18 công trình hạ tầng thiết yếu tại các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có 3 công trình thủy lợi, 2 cầu, 9 khu thể thao, nhà văn hóa xã, thôn, 2 trường học, 1 nghĩa trang nhân dân và 1 công trình đường giao thông nông thôn; lồng ghép từ các nguồn khác đầu tư xây dựng mới 14 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, sân vận động cấp xã; xây mới và sửa chữa 8 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; nâng diện tích chủ động nước tưới lên hơn 42%. Bê tông hóa 23,8km giao thông nông thôn với mặt đường rộng 3 - 3,5m. Tổng kinh phí thực hiện chương trình NTM năm 2017 hơn 21 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện đã triển khai 68 công trình xây dựng cơ bản gồm giao thông, thủy lợi, trường học, thiết chế văn hóa với tổng vốn giải ngân 145 tỷ đồng.
Nhờ sự chung tay của toàn xã hội diện mạo NTM trên địa bàn huyện Tiên Phước đã có nhiều khởi sắc. Ông Nguyễn Hữu Danh ở thôn Thanh Bôi xã Tiên Châu chia sẻ: “Tôi thấy chương trình NTM rất hợp lòng dân, tạo điều kiện để vùng nông thôn phát triển mọi mặt, từ giao thông đi lại đến văn hóa tinh thần, cung cách làm ăn đều thay đổi tích cực hơn xưa nên nhân dân ở đây hưởng ứng rất tích cực”.
PHẠM HOÀNG
Theo Báo Quảng Nam