Mô hình sản xuất rau trong nhà lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao tại thị xã Điện Bàn
Ông Nguyễn Chánh Thiện - Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm Điện Bàn cho biết: Mô hình canh tác nông sản sạch ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới được bắt đầu triển khai từ tháng 9/2017. Mỗi nhà lưới có diện tích 500m² và ứng dụng công nghệ nhà lưới kín, với kinh phí xây dựng khoảng 180 triệu đồng/nhà lưới, trong đó chính quyền hỗ trợ 50%. Sau hơn 3 tháng đưa vào sản xuất thử nghiệm trên các đối tượng: rau cải lứa, cải con và xà lách tại các hộ cho thấy sản xuất rau trong nhà lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà. Với thu nhập gia tăng từ 36 - 48 triệu đồng/sào/năm là nguồn thu nhập lớn, giúp hộ dân nhanh chóng thu hồi vốn để tái mở rộng quy mô sản xuất. Mô hình góp phần hoàn thành mục tiêu của “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của UBND thị xã.
Trong thời gian đến, để nâng cao giá trị của sản phẩm được sản xuất trong nhà lưới, UBND thị xã đã chỉ đạo tiếp tục nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, quả ở các phường vùng Đông theo chuỗi giá trị. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nhà sơ chế rau an toàn Hợp tác xã nông nghiệp Điện ngọc 1 để có cơ sở liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường. Đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất mới (mô hình trồng rau thủy canh; trồng rau, củ, quả trên giá thể; trồng rau quả hữu cơ) và các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như: dưa lê, dưa leo, cà chua, ớt, các loại rau ăn lá; hoa cúc, hoa ly ly, hoa lan, mai kiểng, quật kiểng...