Bà và cháu cùng tham gia.
BÀI 1: DẬY HƯƠNG AN LẠC
Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, làng bánh in An Lạc (thôn An Lạc, Duy Thành, Duy Xuyên) đã rộn ràng thanh âm lộc cộc từ tiếng gõ của những khuôn bánh, đã dậy lên mùi thơm lừng của nếp, đậu xanh ngay từ đầu làng…
Cả làng tất bật
Bà cụ Nguyễn Thị Sương, năm nay đã 80 tuổi, vừa từ nhà con gái sang giúp đứa cháu trai vào bao bì cho sản phẩm. Tay thoăn thoắt xếp từng cái bánh ngay ngắn vào bao bì, gắn nhãn, rồi cột dây, cụ Sương nói công đoạn này coi như là “chốt hạ” để đưa bánh ra thị trường. Nhà con gái, con trai, rồi bây giờ đến cháu ruột, đều làm nghề này. Ngay từ đầu tháng Chạp, cả làng An Lạc, từ người già trên 80 tuổi như cụ Sương, đến đứa trẻ chừng lên 10, đã tất bật mỗi người mỗi việc. Ở nhà ông Đinh Xuân Cầm, cháu cụ Sương, mỗi ngày có thể làm ra hơn 1 tạ bánh in các loại: bánh in nếp trắng, bánh in đậu xanh, bánh in nhiều màu sắc để thờ cúng... Người dân làng An Lạc làm bánh in quanh năm nhưng rộ nhất là mùa tháng Chạp. Từ bột nếp, đậu xanh, đường cát, hương liệu, cứ ai siêng thì làm được, vì các loại bánh này không đòi hỏi kỹ thuật cao hay tay nghề dày dặn. “Đậu xanh bóc vỏ, rang vàng, xay nhuyễn trộn với bột nếp, xong xuôi nấu đường cho “tới” đổ vào hỗn hợp bột nếp đậu xanh trộn đều. Sau đó bỏ vô khuôn gỗ, rồi in, bánh ra đem sấy, vào bao bì, thế là xong” - cụ Sương chia sẻ.
Những ngày này, cả gia đình ông Đinh Xuân Cầm được huy động hết nhân lực để kịp làm cho xong hàng chục đơn hàng từ Đà Nẵng, Tam Kỳ, Nam Phước gọi vào. “Tôi phải kêu cả thằng con trai đang phụ xe tải ở Đà Nẵng về làm cho kịp, vì cả năm chỉ ăn nhau có tháng ni thôi. Bà cô Sương cứ hết nhà con gái thì tới nhà cháu làm giúp vì không thể nào kiếm được người làm” - ông Cầm nói. Đến thời điểm này, ông Cầm cho biết, riêng nhà ông dù không phải cơ sở lớn của làng bánh in An Lạc nhưng số lượng bánh làm cho bạn hàng đã lên tới hơn 3 tấn. “Năm nay, có thể nói nhà tôi làm bánh không kịp để bỏ mối cho bạn hàng. Tranh thủ làm cả ngày cả đêm, tận dụng tất cả lao động có được, vì đã nhận đặt hàng thì mình không thể thất hứa. Đến chừng 25, 26 tháng Chạp là họ ngưng đặt bánh” - ông Cầm cho biết thêm.
Tháng Chạp, người làng An Lạc tất bật làm bánh. Ảnh: NGUYÊN QUÂN
Ngay sát bên nhà ông Cầm, cơ sở bánh in Tường Vi của gia đình ông Huỳnh Quang Trung - cũng là cơ sở sản xuất bánh in lớn nhất của làng, không khí rộn ràng từ khâu rang nếp đến “sên” đường, vào khuôn. Tháng Chạp, ngoài 4 người làm thường trực ở cơ sở, cùng với “trưng dụng” người nhà, ông Trung phải mướn thêm 2 thanh niên khác trong làng tới hỗ trợ từ đầu tháng đến nay. Ông Trung cho hay, bánh in làng An Lạc đặc biệt ở chỗ dù để lâu ngày vẫn giòn chứ không bị chai hoặc cứng bánh, bảo quản tốt có thể để được hơn một tháng rưỡi, đây cũng là một trong những đặc tính để thu hút người tiêu dùng. Chỉ tính trong tháng Chạp, cơ sở lớn như ông Trung số lượng bánh in làm ra phải hơn 6 tấn mới đủ bỏ sỉ cho khách hàng, chưa tính bán lẻ.
Sức mua tăng mạnh
Cả làng An Lạc hiện có hơn 20 hộ làm nghề bánh in, chưa kể có những hộ nhân tháng tết, nông nhàn, tranh thủ hoặc nhận gia công cho các cơ sở sản xuất lớn, hoặc tự làm để bán lẻ kiếm thêm thu nhập. Ông Huỳnh Quang Trung cho biết, khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, sức mua bánh truyền thống vào dịp tết tăng mạnh, đặc biệt là các đại lý ở những thành phố lớn. “Từ khoảng 5 năm nay, cơ sở của tôi không phải trực tiếp mang bánh đi bỏ sỉ nữa. Bạn hàng tự cho xe đến nhà đếm bánh về bán” - ông Trung nói.
Giá thành mỗi loại bánh khá mềm, trong khi chất lượng đảm bảo, có thể là lý do để người tiêu dùng quay lại với các loại bánh in thủ công. Ở làng An Lạc, các gia đình, cơ sở làm bánh in đều thống nhất mức giá chung, một lạng bánh in đậu xanh nếu bán tại gốc là 3.000 đồng, bánh nếp 2.500 đồng. Bà Võ Thị Hoài, chủ cơ sở bánh Kim Yến cho biết, dù giá nguyên liệu có nhích lên nhưng giá bánh của làng vẫn bán như từ trước đến này. “Mấy tháng trước, giá đường tăng lên nhưng chúng tôi vẫn bán bánh với giá cũ. Bây giờ giá đường đã hạ một ít thì đến lượt nếp với đậu tăng giá, rồi lương trả cho thợ làm bánh tháng Chạp phải nhích hơn, nhưng sản phẩm làm ra vẫn y giá” - bà Hòa nói. Chủ các cơ sở làm bánh in ở An Lạc chia sẻ rằng, họ bán sản phẩm lấy số lượng, đồng thời tranh thủ công người nhà để làm lợi nhuận là chính; chứ tăng giá bánh chưa hẳn đã có lời, vì có thể bán hàng không chạy…
Vài mùa tết trở lại đây, người làng bánh in An Lạc bắt đầu có thu nhập cao từ lượng bánh bán được. Những năm rồi, khoảng từ 25 tháng Chạp, trung bình mỗi cơ sở sản xuất sau khi giao hết đơn hàng từ các chủ đại lý, thu về khoảng chừng hơn 100 triệu đồng. Ông Đinh Xuân Cầm chia sẻ thêm, khoảng 2 cái tết trở lại đây, ngoài việc gia đình ông không phải mang bánh đi bán lẻ ở các chợ như nhiều năm, chuyện hàng tồn, bán ế cũng không còn xảy ra.
Nghề của làng An Lạc có thể “sống khỏe”, hẳn bởi người Việt vẫn giữ nếp quen trong ngày tết cổ truyền không thể thiếu vài gói bánh in trên bàn thờ gia tiên… Còn làng An Lạc, hết Chạp, ra Giêng từ mùng 10 mới lại vang thanh âm “lộc cộc” làm bánh trở lại.