Trao đổi với Tư tôi, ông Trần Công Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phước cho biết, trên địa bàn 10 thôn của xã có tổng cộng 520ha đất lúa. Đến cuối tháng 1.2018, Điện Phước đã dồn điền đổi thửa được 300ha. Theo ông Khoa, trong số 300ha đất lúa hoàn thành khâu dồn điền đổi thửa vừa nêu thì địa phương đã tiến hành quy hoạch xây dựng được 8 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 141ha, gồm: Mả Ông Mai - Giếng Mới, Hòa Đa - Vườn Nẫm, Bàu Si - Nam Lộ, Cống Huýnh - Thân Thượng, Đại Hàn - Vườn Dân, Bàu Lác, Nga Hậu, Hà Đông. Trong khi đó, ông Võ Văn Long – Phó ban Nông nghiệp xã Điện Phước cho hay, bên cạnh việc tập trung cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng, những năm qua chính quyền địa phương đã linh hoạt huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất trên 8 cánh đồng mẫu lớn này với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng. Ông Long nói thêm: “Thời gian qua vụ nào 800 - 900 hộ dân của địa phương cũng hợp tác với 6 doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa trên toàn bộ 8 cánh đồng mẫu lớn ấy. Theo thống kê, bình quân mỗi vụ 1ha đất sản xuất giống lúa đạt giá trị 75 - 80 triệu đồng, tăng 30 - 35 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác lúa thương phẩm”.
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, ngoài xã Điện Phước, thời gian qua chính quyền cùng người dân các xã Điện Hồng và Điện Thọ cũng đã nỗ lực dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để hình thành 9 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 170ha. Những mô hình này cũng chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa và hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với trước đây nhà nông làm thóc thịt.
TƯ RUỘNG
Theo Báo Quảng Nam