hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Đào tạo nghề trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0: Thay đổi để tồn tại (02/01/2018)
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi của lực lượng sản xuất, ở đây là những người thợ và nơi đào tạo nên người thợ. Thích ứng với sự thay đổi này, yêu cầu cơ sở đào tạo nghề phải có sự chuẩn bị từ bây giờ.
Đào tạo nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước thách thức lớn của cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: D.LỆ
Đào tạo nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước thách thức lớn của cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: D.LỆ

Gắn kết là hướng phải đi

Trường đào tạo nghề trong doanh nghiệp là một mô hình hiệu quả trong những năm gần đây. Đến bây giờ, mô hình này không còn mới, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện thành lập trường đào tạo nghề. Doanh nghiệp trực tiếp tham gia dạy nghề dưới các hình thức khác nhau có tác dụng tích cực nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc doanh nghiệp như Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai - Trường Hải (thuộc Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải), Trường Cao đẳng Điện lực Miền Trung (thuộc Tổng Công ty Điện lực 3), hoặc các trung tâm đào tạo nghề thuộc Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam, Công ty CP Minh Sơn đóng góp tích cực vào công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Gần đây, các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có thêm Công ty Jaly Hội An, Công ty CP Hỗ trợ công nghiệp Miền Trung, Công ty Streets International... Các doanh nghiệp tự đào tạo nghề thường hội đủ các điều kiện, phục vụ cho nhu cầu sản xuất của chính doanh nghiệp và thị trường. Doanh nghiệp có điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc công nghệ nhưng thiếu con người thì thường liên kết với cơ sở đào tạo. Đôi bên gắn kết, cùng có lợi, cùng mục đích tạo nên lực lượng lao động “làm được việc” ngay sau đào tạo.

“Với Quảng Nam, mục tiêu là phát triển kinh tế vùng, nên việc đào tạo người thợ của các cơ sở đào tạo cũng phải bám vào mục tiêu kinh tế. Quảng Nam định hướng ưu tiên phát triển trung tâm cơ khí đa dụng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, công nghiệp chế biến, nước giải khát; hay là các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp chế biến lương thực. Với nông nghiệp, đang có sự hình thành khu nông nghiệp vành đai quanh các khu du lịch, đô thị; thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống nhằm tạo cảnh quan, làm hậu cần cho phát triển du lịch và đô thị; đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp để có giá trị cao... Vì thế cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bám vào đó để định hướng đào tạo phù hợp, đặc biệt phải có sự gắn kết với doanh nghiệp để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ sản xuất”. (Ông Nguyễn Đức Hỗ - Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp)

Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, gắn kết là hướng tất yếu phải đi trong công cuộc đào tạo nghề hiện nay, nhằm đào tạo lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Gắn kết còn giúp nền giáo dục nghề nghiệp thích ứng dần với sự thay đổi lớn về công nghệ sản xuất bằng sự hỗ trợ của doanh nghiệp, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. “Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp còn được thể hiện ở việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức cho người học nghề thực tập tay nghề, thực hành sản xuất tại các doanh nghiệp, các chuyên gia kỹ thuật của doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy. Hình thức này đã rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo, nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Gắn kết giữa đôi bên còn giải quyết khâu đầu vào - đầu ra của quá trình đào tạo nên sẽ mang lại hiệu quả cao  hơn” - ông Thùy cho biết.

Thay đổi là tất yếu

Theo ông Trần Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Asean, sứ mệnh của giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo khoảng 70% nhân lực cho đất nước. Nhưng hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đang lộ ra nhiều bất cập, không thích ứng được với thời đại, đặc biệt là trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Sơn phân tích: “Hiện nay, đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động, nhu cầu việc làm, nên dẫn đến tình trạng hàng năm có hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, trong khi các doanh nghiệp cần nhân lực lại không tuyển dụng được lao động. Phần lớn cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tổ chức quá trình đào tạo theo chương trình khung bắt buộc và đã lạc hậu so với tốc độ phát triển của thời đại nhất là trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này. Đòi hỏi thay đổi là tất yếu. Trong điều kiện nhà trường còn hạn chế về máy móc công nghiệp, đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp thì người học mới tiếp cận được công nghệ, mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động sau đào tạo”.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năng suất lao động tăng nhanh, khoa học - công nghệ trở thành lực lượng lao động trực tiếp khiến việc đào tạo người thợ đứng trước những thách thức lớn. Như chia sẻ của một số chủ doanh nghiệp gia công hàng may mặc xuất khẩu, khi công nghệ phát triển, máy móc sẽ dần thay thế con người ở các nước phát triển. Từ đó, kéo theo hệ lụy là hàng hóa sẽ không được doanh nghiệp đưa đến các nước có nhiều lao động để gia công nữa mà họ sẽ sản xuất trong nước. Vì thế mà việc đào tạo người thợ cũng sẽ vô cùng khó khăn, thị trường lao động sẽ có sự sàng lọc kỹ càng hơn trong tuyển dụng, cơ hội có việc làm của lao động càng thu hẹp. Theo ông Nguyễn Đức Hỗ - Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ LĐ-TB&XH), trong môi trường cách mạng công nghiệp 4.0, phương pháp đào tạo nghề cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bài giảng. Cùng với đó là sự đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong giáo dục nghề nghiệp theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo của người học.

DIỄM LỆ

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,156 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 8 1 2 3 4 5 6 7 8
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com