Ruộng bậc thang Tây Giang. Ảnh: Đ.H
Vùng cao làm lúa nước
Dù thời tiết cuối năm rét lạnh nhưng bà con thôn Arầng 1, 2, 3 (xã A Xan) vẫn tích cực ra đồng sản xuất vụ đông xuân. Ông Alăng Sanh - Phó Chủ tịch UBND xã A Xan, tranh thủ những ngày cuối tuần cùng vợ ra đồng cuốc ải mấy đám ruộng, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Ông bảo, theo kinh nghiệm dân gian, vụ đông xuân được xem là vụ gieo trồng chính vì thời tiết thường thuận lợi, năng suất lúa cũng cao hơn. “Hầu hết bà con nơi đây chưa biết dùng trâu bò, hay máy cày để cày ruộng, họ chỉ quen với cuốc thôi. Cánh đồng Chuôr rộng cả chục héc ta vẫn được bà con tự cuốc hết, rồi be bờ đắp nước để diệt sâu bọ, cỏ dại” - ông Sanh cho biết. Già làng Pơloong Đưm ở thôn Arầng 1 cho hay, trước đây bà con Cơ Tu mình có ai biết bón phân là cái chi mô. Họ gieo sạ xong rồi đợi khi lúa chín thu hoạch nên năng suất thấp lắm. Dùng phân bò, phân heo bón cây lúa, họ ngại hôi thối, dơ bẩn, không ai làm. Qua hai, ba vụ mùa, cây lúa cằn cỗi, hạt lép, năng suất không cao, năm nào cũng thiếu ăn phải chờ Nhà nước cứu trợ gạo.
Những năm gần đây, cán bộ nông nghiệp xuống hướng dẫn, cầm tay chỉ việc... cho bà con làm. Cán bộ bảo, cây lúa có phân bón mới cho hạt to, chắc được. Mỗi mùa vụ cán bộ chọn một hộ làm thí điểm để bà con so sánh, học hỏi. Ngoài ra, cán bộ còn hướng dẫn bà con nuôi trâu bò có chuồng trại để có nguồn phân bón cho cây trồng tươi tốt. Bây giờ, bà con trồng cây gì cũng bón phân. Nhờ có phân mà cây lúa tươi tốt, cho năng suất cao hơn. Bà con Cơ Tu không phá rừng để trồng cây lúa rẫy nữa, mà chỉ làm cây lúa nước vì nó dễ làm và cho nhiều hạt hơn lúa rẫy. Già làng Pơloong Đưm tâm sự. Còn ông Alăng Sanh cho biết thêm, A Xan là xã có diện tích lúa nước nhiều nhất huyện Tây Giang. Hiện toàn xã có 225ha. Trong đó tập trung ở các thôn Arầng 1, 2, 3, Agríh, Kanoonh 1, 2... Người dân làm tốt khâu chăm sóc nên sản lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Để triển khai sản xuất vụ đông xuân, xã đã họp dân phổ biến lịch thời vụ do Sở NN&PTNT chỉ đạo, vận động bà con gieo sạ đồng bộ để dễ chăm sóc và tránh thiên tai, dịch bệnh. Huyện cũng đã hỗ trợ lúa giống Xi 23 để bà con sản xuất, tránh mua giống kém chất lương trôi nổi trên thị trường”.
Trợ giúp nông dân
Ông Ría Nhoóp - Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry, được mệnh danh là “ông vua lúa nước” ở Tây Giang. Gần một nửa diện tích lúa nước xã Ga Ry là của gia đình ông. Mỗi năm ông thu hoạch hơn 900 ang lúa. Ông Nhoóp kể, để có được hàng chục héc ta lúa nước, gia đình ông tự khai hoang đất trống, đất đồi, rồi tự đắp đập dẫn nước từ các khe suối về tưới tiêu. Mỗi năm gia đình ông khai hoang thêm vài đám, cứ thế mới có được cả cánh đồng như ngày nay. Lúa của ông ngoài bán cho xã làm kho thóc tình thương, còn bán cả cho Đồn Biên phòng Ga Ry. Vụ đông xuân 2017-2018, gia đình ông đã làm xong khâu cuốc ruộng, dọn cỏ, be lại bờ và sửa chữa lại hệ thống nước tưới tiêu. Năm nào ông cũng đổ cả chục tấn phân bò, phân xanh để bón cho cây lúa. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện 4 xã vùng cao Tây Giang nói riêng và cả huyện nói chung, bà con đang gấp rút chuẩn bị gieo sạ. Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu bà con đã tiến hành cuốc ải, ngăn nước. Một số diện tích bị sạt lở, bồi đắp được khắc phục kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, toàn huyện có 2.900ha đất trồng trọt, trong đó, lúa nước vụ đông xuân này chiếm hơn 452,3ha. Ngoài phương pháp sản xuất truyền thống, Phòng NN&PTNT cùng với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện triển khai mô hình lúa cải tiến SRI (Nhật Bản) khoảng 92ha tại 4 xã vùng thấp là A Tiêng, A Nông, Bha Lêê, A Vương. Năm nay, huyện còn tổ chức khai hoang mới hơn 4ha lúa nước tại cánh đồng K’tang (xã Dang). Ngoài việc cấp 33 tấn lúa giống Xi23, huyện Tây Giang còn đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi Dầm 1 và Dầm 2 (xã Tr’Hy), đưa vào sử dụng công trình thủy lợi Adớ (xã Dang), công trình kiên cố hóa kênh mương thôn Agríh (xã A Xan)... Ông Phú cũng cho biết thêm: “Hiện nay, phòng cùng với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân sản xuất vụ đông xuân đúng theo lịch thời vụ, ưu tiên áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI vào sản xuất. Đặc biệt, chú ý đến công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thay đổi giống lúa đã bị thoái hóa để tăng năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Tiếp tục hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ để bón cho cây lúa”.