|
Gia đình ông Võ Hòa chăm sóc diện tích rau màu canh tác trên cát trắng. |
Tận dụng từng khoảnh
Đi dọc tuyến đường 129 ven biển, hầu như ai cũng sẽ thấy trải dài màu trắng phau của cát. Vậy nhưng, đến đoạn qua 2 thôn Bình Trúc 1, Bình Trúc 2 của xã Bình Sa sẽ thấy hiện lên màu xanh tươi mơn mởn bắt mắt. Ông Võ Hòa - nông dân thôn Bình Trúc 1 tạm ngừng việc chăm sóc đậu cô ve khi thấy khách đến làm quen hỏi chuyện. Nói về việc trồng rau màu trên cát, ông Hòa bảo: “Phải tận dụng từng khoảnh để trồng trọt rau quả vụ tết mà có thêm thu nhập. Cát trắng nhưng nếu biết cải tạo, đầu tư chăm bẵm thì rau trái cũng xanh tươi mơn mởn thôi. Vùng cát trắng này chỉ canh tác được rau vụ đông vì phụ thuộc vào nước trời”. Bắt xong mấy con sâu nhỏ trên thớ lá của cây đậu, ông Hòa vội vàng sang luống cải để bón phân, rồi tất bật cuốc tỉa chăm sóc mấy vạt nén, cải, ngò, hành, môn, xà lách...
Nông dân thôn Bình Trúc 1 và Bình Trúc 2 đã có phương pháp ủ ấm cho cây trồng rất đặc biệt. Xác đậu phụng, bèo lục bình, rơm rạ đã khô héo được người dân ủ lại, phủ lên giúp cây giàu thêm dinh dưỡng và tăng khả năng giữ nước. Đây là phần quan trọng của quá trình cải tạo cát hoang hóa, bạc màu để trồng rau màu vụ đông của nông dân địa phương. |
“Vùng này vốn là rừng phòng hộ ven biển. Từ khi có dự án xây dựng con đường 129 đi qua thì nhiều diện tích bỏ hoang. Chúng tôi tìm cách “đánh thức” cát trắng. May là vào mùa mưa, nước nhỉ dồi dào nên mình đào được ao, có nước để tưới cho rau” - ông Hòa nói. Vì là vùng cát, để đảm bảo đủ độ ẩm ướt cho mầm sống vươn lên, ông Hòa đã tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp phối trộn cát, đất, phân chuồng và nước tưới để bón cho cây. Tận dụng lượng lớn bèo lục bình trôi dạt vào sông Trường Giang đoạn qua địa bàn trong đợt lũ vừa qua, ông Hòa và gia đình đã vớt về dự trữ, ủ phân để thường xuyên chăm bón cho cây. Với 7 sào đất cát trồng các loại rau màu bán vụ tết, gia đình ông Hòa hy vọng sẽ có khoản thu nhập vài chục triệu đồng.
Từ khu vực trồng trọt của gia đình ông Hòa, chỉ sau khoảng 5 phút đi xe máy, sang địa phận thôn Bình Trúc 2 chúng tôi tiếp tục ngỡ ngàng với màu xanh mỡ màng của rau màu vươn lên từ cát trắng. Từng hàng hành lá, đậu cô ve, khoai lang, củ cải trắng, cải bẹ, dưa chuột... xanh rì trong gió rét. Bà Huỳnh Thị Hường - nông dân thôn Bình Trúc 2 cho biết, do khu vực cát trắng này không thể dẫn được nước tưới từ thủy lợi nên chỉ tận dụng được nguồn duy nhất là từ nước nhỉ từ mưa để tưới cho cây. “Được mùa thì gần như chắc chắn rồi. Trận lũ vừa qua phá hủy nhiều diện tích rau trái nên vụ này chắc cũng được giá. Chỉ mong vậy để có thể trang trải nhiều khoản, đón cái tết tinh tươm hơn mọi năm” - bà Hường nói. Các loại rau trái như đậu cô ve, củ cải trắng, cải bẹ, dưa chuột được canh tác trên 6 sào diện tích của nông hộ này sẽ được thu hoạch và xuất bán trong nay mai.
Có thể nhân rộng
Ông Hà Như Diêu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho biết, tổng diện tích trồng rau màu của người dân thôn Bình Trúc 1 và Bình Trúc 2 dọc theo tuyến đường 129 ven biển là 10ha. Thành quả người dân có được đến thời điểm này hoàn toàn không dễ dàng. Họ đã khai hoang phục hóa diện tích cát trắng trên rồi đầu tư công sức, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc rất bài bản. Tất cả là quá trình tích cóp, chắt chiu lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. “Vấn đề quan trọng nhất đối với các loại rau màu được canh tác ở đây là đầu ra. Phòng NN&PTNT huyện đã hỗ trợ địa phương bằng cách phối hợp với Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật, Trường Cao đẳng Lương thực Đà Nẵng mở 2 lớp đào tạo trồng rau sạch được các nông hộ tích cực tham gia. Với cách đầu tư canh tác theo phương pháp VietGAP thì chất lượng rất đảm bảo. Chỉ mong nông hộ bán rau trái được giá để có nguồn thu nhập khá, ổn định cuộc sống và đón tết đầy đủ hơn” - ông Hà Như Diêu nói.
|
Trên địa bàn huyện Thăng Bình còn có hàng trăm héc ta cát trắng hoang hóa ở các xã ven biển như Bình Nam, Bình Hải, Bình Minh, Bình Dương. Có thể cải tạo để trồng rau sạch trên các diện tích đó như cách mà người dân Bình Sa đang làm? Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, khả năng là có thể. Huyện khuyến khích nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với các công ty để họ vừa cung ứng giống cây trồng vừa mua sản phẩm sau thu hoạch. Như thế sẽ tạo nên chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch và khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, mở thêm triển vọng mới cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. “Hệ thống tưới phun nước tự động, tưới phun mưa, phun sương và tưới nhỏ giọt là công nghệ hiện đại đã được nhân rộng, ứng dụng ở rất nhiều nơi, phù hợp với cải tạo và sản xuất nông nghiệp ở những vùng cát trắng. Nông dân địa phương lại có thừa phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó, năng động sản xuất. Các phẩm chất đó được khơi dậy thông qua mô hình kinh tế tập thể liên kết sản xuất với doanh nghiệp hứa hẹn sẽ đem lại kết quả tích cực. Đó chính là kỳ vọng lớn mà địa phương xem xét để có hình thức hỗ trợ thích đáng cho nông dân” - ông Đoàn Thanh Khiết nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT
Theo Báo Quảng Nam