|
Tuyến đường chính qua trung tâm xã Duy Phú đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: N.S |
Nông - lâm kết hợp
Mỗi vụ mùa, nông dân xã Duy Phú gieo sạ 231ha lúa, tất cả đều chủ động nước tưới. Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, đồng ruộng manh mún, nhưng nhờ chính quyền địa phương đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, du nhập nhiều giống lúa mới về canh tác nên năng suất không ngừng tăng lên, từ 54 tạ/ha (năm 2012) tăng lên 57 tạ/ha (năm 2017). Ông Nguyễn Văn Mười - Phó ban Nông nghiệp xã cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhân tố quan trọng nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Ba năm gần đây, Duy Phú đã chuyển hơn 28ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp với nuôi cá và ốc. Bình quân mỗi năm đất sản xuất theo mô hình này đem lại cho nhà nông mức thu nhập 80 triệu đồng/ha, cao gấp 4 lần so với trồng lúa. Ông Mười nói: “Hiện nay, Duy Phú đã hoàn thành việc lập phương án chuyển đổi thêm 10ha đất lúa sang trồng sen chuyên canh. Đi đôi với đó, xã sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan ở huyện tăng cường khâu hướng dẫn quy trình kỹ thuật, chú trọng việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xem đây là tiền đề của phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bền vững”. Cũng theo ông Mười, từ năm 2013 đến nay, người dân địa phương cải tạo nhiều khu vườn đồi và lựa chọn giống tiêu có chất lượng cao đưa vào trồng với số lượng 14.000 choái, tập trung nhiều nhất ở 3 thôn Trung Sơn, Mỹ Sơn, Bàn Sơn. Bình quân mỗi năm, nông dân Duy Phú thu về hơn 2,2 tỷ đồng từ việc bán hạt tiêu khô.
Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, những năm qua chính quyền xã Duy Phú cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế rừng. Ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú nói: “Toàn xã hiện có 2.800ha rừng, trong đó đất rừng sản xuất là 390ha và tất cả đều được phủ xanh bởi cây keo nguyên liệu. Hàng năm, người dân trên địa bàn khai thác 80ha rừng keo, đạt tổng doanh thu khoảng 3,2 tỷ đồng. Khai thác xong, người dân liền bắt tay vào việc trồng mới để 5 năm sau lại thu hoạch. Nhờ vậy, cuộc sống của nhiều gia đình khấm khá hẳn lên”.
Phát triển hạ tầng
Ông Trần Minh Hải cho biết, đến nay địa phương mới hoàn thành 9/19 tiêu chí NTM gồm: quy hoạch, điện, trường học, nhà ở dân cư, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục - đào tạo, y tế, an ninh trật tự. Những năm qua, tổng nguồn vốn Duy Phú đầu tư cho chương trình này gần 31,2 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 31 triệu đồng, tăng 20,4 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,25%, giảm 14,43% so với cách đây 6 năm. Theo ông Hải, từ nay đến năm 2020 Duy Phú cần ít nhất 43,5 tỷ đồng để thực hiện 10 tiêu chí còn lại, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi và xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch. Do Duy Phú không nằm trong diện xã điểm xây dựng NTM nên thời gian qua nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước chưa nhiều, trong khi đó, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động đóng góp không hề dễ dàng. |
Hiện nay, các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường chính qua trung tâm xã Duy Phú, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2017. Công trình này có chiều dài 1km, rộng 16,5m, quy mô 2 làn xe với tổng kinh phí đầu tư 8,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Ông Trần Minh Hải cho biết, trong quá trình giải phóng mặt bằng để phục vụ việc thi công trục đường này, có 44 hộ dân tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ tường rào, vật kiến trúc trị giá hơn 120 triệu đồng nhưng không đòi hỏi quyền lợi gì. Ông Hải nói thêm: “Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay địa phương đã đổ bê tông được 25,56km đường giao thông nông thôn, chiếm tỷ lệ 82,7%, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa và tạo cảnh quan môi trường thông thoáng”.
Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn huy động, xã Duy Phú cũng đã tiến hành xây mới và nâng cấp tất cả 5 nhà sinh hoạt văn hóa thôn, cơ bản đáp ứng việc sinh hoạt và hội họp của nhân dân. Đặc biệt, các trường học trên địa bàn gồm mẫu giáo, tiểu học, THCS đều được xây dựng khang trang, chất lượng dạy học không ngừng nâng cao. Đến nay, cả 3 ngôi trường đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Cạnh đó, Trạm Y tế xã cũng được xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Trong khi đó, chợ Cổng số 5 cũng được đầu tư nâng cấp, đảm bảo phục vụ việc kinh doanh - buôn bán của cả trăm hộ tiểu thương. Những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường ở Duy Phú luôn được quan tâm đúng mức. Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn xã có 5 tổ dịch vụ thu gom rác thải trong các khu dân cư đưa về bãi rác tập trung và sau đó vận chuyển đi nơi khác xử lý. Ngoài ra, địa phương cũng quy hoạch 2 nghĩa trang nhân dân và đã được cấp trên phê duyệt...
NGUYỄN SỰ
Báo Quảng Nam