Nông dân thôn Ngọc Tây (Bình Phục) đang thu hoạch nén. Ảnh: BIÊN TOÀN
Hiện nay, tại khu vực thôn Ngọc Sơn Tây (xã Bình Phục), nông dân đang khẩn trương thu hoạch cây nén để kịp xuống giống gieo trồng cây đậu phụng. Gia đình chị Thủy Thị Lợi (thôn Ngọc Sơn Tây) có 2 sào nén, hiện đã bán đi 1,5 sào, còn lại vài luống nhưng thương lái cũng đặt cọc tiền trước. Theo chị Lợi, chưa bao giờ thấy giá nén củ lên cao như vậy. So với năm trước thì năm nay giá đã tăng gấp đôi. Hai sào nén của chị nhẩm tính ra cũng được gần 20 triệu đồng, chưa tính chi phí. Chị Lợi cho biết: “Lúc đầu giá nén củ lên đến 130.000 đồng/kg có bao nhiêu thương lái cũng thu mua. Bây giờ giá nén còn 110.000 đồng/kg. Thế nhưng giá này cũng đã quá cao so với mọi năm, chúng tôi bán được giá rất phấn khởi, chỉ tiếc là nén không đạt năng suất do mưa lụt vừa qua”.
Mặc dù đã bán đi một sào nén thu về 13 triệu đồng, nhưng ông Hồ Tấn Tàu (thôn Ngọc Sơn Tây) vẫn đang phân vân không biết có nên tiếp tục nhổ bán sào thứ hai. Bởi hiện nay, giá nén đang giảm 20.000 đồng/kg so với đầu vụ. Trong khi trước đó, ông bán với giá 130.000 đồng/kg nén củ. Ông Hồ Tấn Tàu cho biết: “Nông dân ở thôn Ngọc Sơn Tây ăn nên làm ra cũng nhờ vào cây nén, cây kiệu. Bây giờ mình chờ ít hôm nữa để xem giá có lên như đợt đầu kiếm thêm ít tiền. Chứ cây nén năm nay có giá nhưng không được mùa như các năm trước. Nhiều nhà lúc trước do bị ngập nước phải nhổ nén non để bán”.
Hiện nay, toàn xã Binh Phục có 70ha diện tích trồng cây nén, chủ yếu là thôn Ngọc Sơn Tây, Tất Viên. Hiện người nông dân trên địa bàn 2 thôn tiến hành thu hoạch, mặc dù giá cao gấp đôi so với các năm trước, nhưng người nông dân vẫn không có nén để bán cho thương lái. Theo ông Phan Ngọc Bốn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục, nguyên nhân cây nén được giá mất mùa là vì ảnh hưởng của các đợt mưa lụt vào tháng 10, 11 vừa qua. Do đó, người nông dân trồng nén có thể mất đi khoảng 30% sản lượng. “Địa phương đang tính đến việc quy hoạch lại diện tích trồng cây nén, cây kiệu để tăng năng suất cho người trồng. Bởi hiện nay, toàn xã có đến 170ha diện tích trồng hai loại cây này. Nhưng về mặt quy hoạch là rất khó, vì trước đây, cây nén, cây kiệu rất bấp bênh. Có nghĩa là khi người dân trồng nhiều thì đầu ra không ổn định, không có nguồn thu mua cố định. Tuy nhiên một thông tin vui đến cho người dân đó là hiện nay triển khai các công trình thủy lợi hóa đất màu ở thôn Ngọc Sơn Tây. Đặc biệt, Công ty Thiên Việt đã đăng ký vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (đóng chân tại xã Bình Phục) chuyên kinh doanh mặt hàng nông sản. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm nông sản làm ra của bà con địa phương có đầu ra ổn định, nhất là cây kiệu” - ông Bốn cho biết thêm.