Đường dẫn lên nóc Tắc Pổ (thôn 1, xã Trà Tập).
Giao thông thuận tiện
Sau nhiều năm lập làng, nóc Tắc Pổ (thôn 1, Trà Tập) đã chính thức có con đường mới khang trang dẫn về tận làng. Sau mưa, con đường dẫn lên nóc Tắc Pổ vẫn vững vàng. Nhìn những chuyến xe của bà con trong làng đang chạy bon bon ra về từ trung tâm xã, già Hồ Văn Nao không giấu được sự vui mừng. Mới năm ngoái, mỗi lần có việc cần phải đến xã, huyện, người làng Tắc Pổ phải mất hơn 2 giờ đồng hồ vượt rừng, vượt suối, lội lên cả những đám ngô, đám sắn.
“Khổ lắm, trước đây bà con ngại ra bên ngoài lắm, quanh năm chỉ bám nương bám rẫy, làm ra có gì ăn nấy. Giờ thì khỏe rồi, có đường mang ngô khoai đi bán, có thêm tiền, con cháu đi học không còn vất vả nữa” - già Nao nói.
Làng Tắc Pổ hiện có 35 hộ gia đình sống quây quần bên mấy vạt cau, sau làng là rừng già, phía trước là thung lũng quanh năm mây giăng kín núi. Ít ai biết những gian nan, khó nhọc mà bà con Ca Dong đã phải đương đầu suốt bao năm qua. Người làng Tắc Pổ sinh con đông, mỗi nhà ít nhất cũng 3 đến 4 đứa, nhà nhiều nhất thì đến 9, 10 nhân khẩu. Đáng nói, do chưa tiếp cận được hệ thống y tế nên trẻ con trong làng chậm phát triển, thậm chí một số em còn mang trên người nhiều bệnh. Nhưng những ám ảnh, cơ cực ấy vơi đi từ khi con đường mới nhóm lên nhiều hy vọng.
Tay nâng niu đứa con còn trong bụng, chị Hồ Thị Thở cho biết đang mang bầu đứa thứ 3. Hai đứa con đầu chị phải tự sinh tại nhà, chỉ biết trông cậy vào bà đỡ và chị em hàng xóm. Nay có đường, từ làng về đến trạm y tế xã mất chưa đầy 15 phút, chị dự định sẽ về đó sinh con.
Đổi thay từ những cung đường
Từ khi có đường mới đến nay, làng Tắc Pổ trở nên nhộn nhịp hơn xưa. Những tiệm tạp hóa cũng tập trung nhiều hơn để phục vụ dân trong làng. Chị Dương Thị Lài (chủ tiệm tạp hóa) chia sẻ, trước đây bà con muốn mua thực phẩm, thuốc men phải đi bộ khá xa. Từ khi con đường mới được mở, chị cũng dời nhà về ngay ngã ba đường để thuận tiện cho việc buôn bán. “Giờ bà con làng đó (Tắc Pổ - PV) biết làm ăn hơn xưa, mỗi ngày họ đều mang chuối, mang rau về đây để bán hoặc đổi gạo, đổi mắm” - chị Lài nói.
Tiệm tạp hóa chị Lài cách Tắc Pổ chưa đầy 2 cây số, ngay đầu tuyến đường dẫn lên Tắc Pổ. Căn nhà cũng là một phần của làng Tu Gia. May mắn hơn Tắc Pổ, từ năm 2018, làng Tu Gia đã đón con đường đầu tiên dẫn thẳng từ xã lên. Từ đó đến nay, 48 hộ đồng bào trong làng làm ăn khấm khá hơn, mỗi nhà đều sắm một chiếc xe máy để thuận tiện cho việc đi lại. Già làng Hồ Văn Núi cho biết, làng Tu Gia định cư tại đây từ năm 1965, mỗi lần trong làng có người đau ốm, bà con phải cõng hoặc khiêng bộ đi khá xa. Khi có con đường mở ngang qua làng, già và bà con ai nấy cũng phấn khởi, tập trung vừa làm ăn, vừa xây dựng lại làng.
Ông Lê Đình Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết, toàn xã hiện có 27 nóc trên 4 thôn, trong đó, 6 nóc khó khăn nhất đã có hệ thống giao thông dẫn đến tận nơi nhằm vực dậy đời sống cho bà con. Riêng làng Tắc Pổ, từ khi có con đường đến nay, cuộc sống bà con bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xã sẽ cố gắng tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, đồng thời hỗ trợ bà con tiếp cận các chính sách y tế, giáo dục.
Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, thời gian qua, việc triển khai khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện khá tốt. Bên cạnh bố trí lại các khu dân cư, huyện cũng tập trung khắc phục các tuyến đường bị sạt lở. Đến nay đã khắc phục giao thông bước 1 cho 100% tuyến đường với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng. Riêng sau cơn bão số 9 vào cuối tháng 10.2020, huyện đã huy động phương tiện hỗ trợ với 476 ca và 255 nhân công tham gia mở đường công vụ phục công tác tìm kiếm cứu nạn.
“Việc khẩn trương giải phóng ách tắc cũng như đầu tư xây mới các tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Qua đó góp phần không nhỏ thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương” - ông Mẫn cho biết.