Ảnh minh họa.
Theo đó, để kịp thời khống chế, ngăn chặn, không để dịch bệnh VDNC lây lan trên diện rộng, hạn chế thiệt hại về kinh tế do phải chi kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của tỉnh…; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh (Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 30/3/2021, Công văn số 2753/UBND-KTN ngày 12/5/2021) để khẩn trương tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên địa bàn; trong đó, lưu ý tập trung một số nội dung sau:
UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Đối với các huyện chưa phát sinh dịch: Khẩn trương xây dựng phương án phòng, chống dịch VDNC cụ thể trên địa bàn, chi tiết theo từng nội dung ; trong đó có bố trí kinh phí mua vắc xin, kinh phí tổ chức phòng, chống dịch… Bằng mọi biện pháp phát hiện, xử lý, khống chế kịp thời ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên trên địa bàn huyện, hạn chế lây lan.
Khẩn trương công bố dịch và thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y; chủ động sử dụng kinh phí cấp mình để chi cho các hoạt động phòng, chống dịch theo phân cấp ngân sách.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự bỏ tiền mua vắc-xin tiêm phòng, không chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước (vì giá trị một con trâu, bò là rất lớn so với giá trị của một liều vắc xin phải bỏ ra) và cùng chung tay với Nhà nước để sớm đẩy lùi dịch bệnh; phấn đấu đến ngày 30/6/2021 nâng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò trên toàn tỉnh lên 60- 70%.
Triển khai, tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng, chống dịch bệnh VDNC theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Trong đó lưu ý: các địa phương đã được cấp vắc xin khẩn trương tổ chức tiêm phòng, để đảm bảo điều kiện công bố hết dịch; các xã, phường, thị trấn có dịch còn lại và những địa phương có nguy cơ cao, yêu cầu UBND cấp huyện khẩn trương giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND cấp huyện cấp kinh phí mua vắc xin tiêm phòng, cũng như kinh phí tổ chức phòng, chống dịch theo đúng quy định, sớm khống chế dịch trên địa bàn.
Tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời khi có ổ dịch mới xảy ra, khống chế nhanh, hạn chế dịch bệnh lây lan; giám sát chặt chẽ các cơ sở mua bán trâu, bò, các cơ sở giết mổ trâu, bò..., xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tuyên truyền, hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch: tiêm vắc xin; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng...); vệ sinh, tiêu độc, khử trùng (bằng vôi bột, hóa chất) hằng ngày; không mua trâu, bò không rõ nguồn gốc hoặc từ vùng có dịch; không chăn thả trâu, bò ở bãi chăn chung tại các khu vực đang có dịch...
Giao một đơn vị làm đầu mối, hằng ngày tổng hợp, cập nhật thông tin, số liệu về tình hình diễn biến dịch bệnh VDNC trên trâu, bò trên địa bàn gửi về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Chủ động phối hợp với Sở Tài chính tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện việc mua vắc-xin tiêm phòng từ nguồn ngân sách Nhà nước đảm bảo kịp thời, đúng quy định; tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí đ ảm bảo phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch VDNC. Cung cấp cho các địa phương danh sách các Công ty cung ứng vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT để thông tin đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua vắc-xin. Bố trí cán bộ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp các thông tin, số liệu của các địa phương báo cáo về tình hình dịch bệnh VDNC; hàng tuần (trước 16h00 Thứ Sáu) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu), báo cáo UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh, địa chỉ email: minhtamvpub@gmail.com). Huy động lực lượng và thành lập các đoàn công tác thường xuyên đến các địa phương đang xảy ra dịch để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định
Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thành lập ngay các nhóm Zalo để trao đổi, triển khai kịp thời các văn bản, ý kiến chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC nói riêng và phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung một cách nhanh nhất. Tùy theo chức năng nhiệm vụ được giao, từng đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo nguyên tắc: tỉnh xuống huyện (thị xã, thành phố), huyện xuống xã (phường, thị trấn), xã xuống thôn (khu, khối phố, bản); thôn xuống hộ dân để phấn đấu đến ngày 30/7/2021, tình hình dịch bệnh VDNC cơ bản được kiểm soát, khống chế. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm kiểm điểm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu đến thời điểm trên, tình hình dịch bệnh vẫn không được kiểm soát, tiếp tục để phát sinh, lây lan.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về đặc điểm và tình hình dịch bệnh, trách nhiệm khai báo của người dân khi phát hiện dịch bệnh và các quy định của pháp luật hiện hành về chế tài xử lý các hành vi giấu dịch, làm dịch bệnh lây lan…; tuyên truyền cho người dân hiểu để tự bỏ tiền mua vắc-xin tiêm phòng, cùng chung tay, phối hợp với Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật tăng cường kiểm tra, đi thực tế xuống địa phương để chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC tại các địa bàn được phân công phụ trách; hằng tuần, báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh.
File đính kèm: Thông báo kết luận