Ảnh minh họa.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai một số nội dung: Đối với xã (phường, thị trấn) có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh VDNC, có trâu, bò có biểu hiện của bệnh VDNC tập trung mọi lực lượng nhanh chóng bao vây khống chế dịch. Tổ chức cách ly toàn bộ trâu, bò chưa có biểu hiện của bệnh VDNC và có biện pháp ngăn chặn không cho côn trùng hút máu tiếp xúc; trâu, bò, dê mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải nuôi nhốt cố định, không chăn thả tự do, bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gia súc. Tổ chức tiêu hủy bắt buộc trâu, bò có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh VDNC, trâu, bò mắc bệnh trong ổ dịch đầu tiên khi mới xuất hiện tại xã (phường, thị trấn) để giảm thiểu nguy cơ lây lan. Cơ quan, đơn vị chuyên môn tham mưu UBND cấp huyện xử lý trâu, bò mắc bệnh tùy theo diễn biến dịch, mức độ lây lan của dịch nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước. Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng liên tục trong vòng 03 tuần tại các hộ chăn nuôi trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh;...
Đối với xã (phường, thị trấn) chưa có bệnh VDNC chỉ đạo cơ quan truyền thông phối hợp với cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, người chăn nuôi hiểu rõ về: sự nguy hiểm của bệnh VDNC; các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm ngăn chặn vi rút xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, phun thuốc tiêu diệt côn trùng; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện trâu, bò có biểu hiện bệnh, nghi mắc bệnh; không mua trâu, bò không rõ nguồn gốc; vận động người chăn nuôi mua vắc xin, thuốc diệt côn trùng để phòng bệnh cho đàn trâu, bò. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán trâu, bò trên địa bàn, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở giết mổ trâu, bò trái phép trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức họp khẩn cấp triển khai công tác phòng, chống bệnh VDNC trên địa bàn toàn huyện, thị xã, thành phố.
Triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm Luật Chăn nuôi, Công văn số 1518/UBND-KTN ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh về việc tiếp tục triển khai thực hiện Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chỉ đạo tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán con giống trâu, bò để nuôi sinh sản, nhân giống trên địa bàn: Thực hiện các điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật Chăn nuôi; Phải có bản công bố tiêu chuẩn áp dụng của cơ sở sản xuất và hồ sơ giống theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 22 của Luật Chăn nuôi.
Chủ động sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng của địa phương về phòng chống thiên tai, dịch bệnh năm 2021 để phòng, chống dịch VDNC trâu, bò theo phân cấp ngân sách và các quy định hiện hành.
Sở Nông nghiệp và PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh VDNC ở trâu, bò để có giải pháp ứng phó kịp thời theo từng tình huống dịch xảy ra. Sử dụng kinh phí UBND tỉnh đã giao dự toán thu - chi ngân sách năm 2021 để mua vắc xin Lumpyvac và hóa chất tiêu diệt côn trùng để dự trữ phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đồng thời để xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh trong trường hợp cấp bách hiện nay và căn cứ Công văn số 1076/BNN-TY ngày 24/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, giao Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương làm việc với Sở Tài chính để được hướng dẫn áp dụng hình thức mua sắm đối với gói thầu mua vắc xin nêu trên theo đúng quy định hiện hành.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định; hướng dẫn Sở Nông nghiệp và PTNT lập đầy đủ các hồ sơ, thủ tục liên quan theo quy định để sớm mua vắc xin phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng Thú y, Công an tăng cường kiểm tra các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp lực lượng Thú y, Quản lý thị trường ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò trái phép, không rõ nguồn gốc.
Cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh VDNC ở trâu, bò nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC ở trâu, bò đạt hiệu quả.
Kinh phí phòng, chống dịch bệnh: Mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có trâu, bò tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh VDNC để phòng, chống dịch bệnh lây lan và các khoản chi cho công tác phòng, chống dịch thực hiện theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Áp dụng trong khoảng thời gian kể từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch của cấp có thẩm quyền. Chủ cơ sở chăn nuôi có trâu, bò tiêu hủy do bệnh VDNC được hỗ trợ khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 54 Luật Chăn nuôi. Trình tự, thủ tục tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh VDNC thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 của UBND tỉnh.
Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 của UBND tỉnh. Trường hợp có sự điều chỉnh, bổ sung về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương thì áp dụng theo văn bản mới.
File đính kèm: Công điện