hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ Hè Thu 2021 (17/05/2021)
Để chủ động ứng phó với tình hình bất lợi về thời tiết và hạn chế dịch bệnh gây hại trên cây trồng, con vật nuôi nhằm triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ Hè Thu 2021 đạt kết quả; UBND tỉnh ban hành Công văn số 2779/UBND-KTN ngày 13/5/2021 yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

Đối với Trồng trọt: Khẩn trương tổ chức thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2020-2021, tranh thủ đất còn ẩm, tiến hành cày đất, phơi ải. Quán triệt và phổ biến rộng rãi đến nông dân về chủ trương sử dụng giống trung, ngắn ngày ở vụ Hè Thu để giảm thiểu tối đa những tác động bất lợi của diễn biến thời tiết, đảm bảo thu hoạch xong trước 05/9/2021, chậm nhất 10/9/2021. Tập trung chỉ đạo gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống theo Hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Đối với các huyện miền núi, chỉ đạo kiểm tra đánh giá khả năng nguồn nước để bố trí diện tích sản xuất lúa phù hợp, hạn chế tình trạng để đồng ruộng khô cháy do thiếu nước.

Do việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp kênh Chính Bắc Phú Ninh đoạn từ sau lý trình K39+510 và kênh N22-1 Bắc Phú Ninh nên thực hiện cấp nước trễ cho các khu tưới thuộc các xã: Bình Nguyên, Bình Giang (huyện Thăng Bình); Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, thị trấn Hương An (huyện Quế Sơn); Duy Trung, thị trấn Nam Phước, Duy Phước, Duy Thành, Duy Vinh (huyện Duy Xuyên); thời gian bắt đầu mở nước từ ngày 01/6/2021, tiến hành gieo sạ ngay sau khi có nước và kết thúc trước ngày 15/6/2021; tập trung sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày để có thể thu hoạch xong trước 10/9/2021. Thông tin rộng rãi và cụ thể các khu tưới cấp nước trễ để người dân chủ động chuẩn bị nguồn giống ngắn ngày thích hợp và đảm bảo chất lượng.

Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua các HTX nông nghiệp hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra, nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân.

Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các Công ty cao su trên địa bàn tỉnh sớm có giải pháp chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả một số vùng đất trồng cây cao su hiện nay do hiệu quả thấp hoặc thiệt hại do bão lũ gây ra.

Đối với Thủy lợi:

Tính toán cân đối nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi do tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác để bố trí diện tích sản xuất phù hợp; đối với các hồ chứa có nguy cơ cao thiếu nước thực hiện chuyển đổi cây trồng chịu hạn trên đất lúa hoặc không sản xuất; áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Tổ chức rà soát, bổ sung và thực hiện Phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2021 do UBND cấp huyện phê duyệt; theo đó, chủ động thực hiện các biện pháp công trình, phi công trình, phân công trách nhiệm, các điều kiện để tổ chức thực hiện phòng chống hạn, nhiễm mặn vụ Hè Thu năm 2021 có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trực tiếp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc do hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn gây ra. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo sửa chữa các công trình cấp nước sạch nông thôn để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; trong điều kiện thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng phải có giải pháp cấp nước cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng nhân dân thiếu nước sinh hoạt.

 Chỉ đạo các địa phương tổ chức ra quân, huy động nhân dân thực hiện công tác nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ, đào ao trữ nước, đóng giếng, lắp đặt trạm bơm dã chiến, thu giữ nguồn nước hồi quy, đắp bờ giữ nước, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất.

Củng cố hoạt động các tổ chức thủy lợi cơ sở để phục vụ công tác dẫn nước vào ruộng đảm bảo tiết kiệm, hạn chế thất thoát lãng phí nước tưới.

Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; thực hiện chế độ tưới luân phiên, tưới lứa, tưới tiết kiệm.

Đối với Chăn nuôi:

Tập trung kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời hạn chế lây lan ra diện rộng; đặc biệt, đối với những khu vực có dịch và vùng có nguy cơ cao. Xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh: Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò. Tăng cường công tác chỉ đạo của các Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, phối hợp UBND cấp xã, nhân viên thú y trong việc giám sát phát hiện, báo cáo tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời.

Chú trọng công tác quản lý nhà nước trong chăn nuôi: Đôn đốc và hướng dẫn thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, thực hiện chăn nuôi theo các quy định của Luật Chăn nuôi; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP; hướng dẫn thực hiện cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh; công tác quản lý và phòng chống dịch, tiêm phòng cho đàn vật nuôi, tiêu độc khử trùng, hướng dẫn cụ thể các biện pháp xử lý trước, trong và khi có dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra.

Phối hợp với các địa phương rà soát, công bố hết dịch bệnh: Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trên trâu bò theo quy định; hướng dẫn người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, ưu tiên chăn nuôi hình thức tập trung gắn với an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Đối với Thuỷ sản:

Tổ chức tuyên truyền các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về chủ quyền biển, đảo cho ngư dân để nắm rõ, tránh sai phạm trong khi hoạt động trên các vùng biển. Tăng cường hướng dẫn, dự báo ngư trường để đảm bảo khai thác an toàn cho người và tàu cá; tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong công tác đăng kiểm.

Thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và các nhiệm vụ trong triển khai chống khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU). Triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân công khai, minh bạch, đúng đối tượng. 

Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, vi phạm về phân vùng, phân tuyến, các vi phạm về quản lý tàu thuyền của các phương tiện nghề cá hoạt động trên vùng biển Quảng Nam.


Đối với Lâm nghiệp:

Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Tổ chức xây dựng và chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030; kế hoạch thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”; Đề án hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh hợp tác với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam để triển khai tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng cho lực lượng lao động và các hoạt động nhằm cải thiện chất lượng rừng; trong năm 2021, tập trung các hoạt động: Triển khai điều tra, đánh giá, phân dạng lập địa đất lâm nghiệp và xác định nhóm các loài cây trồng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn tại lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn; tiếp nhận chuyển giao quy trình sản xuất giống nuôi cấy mô, sản xuất cây con tại vườn ươm và trồng rừng gỗ lớn thâm canh đối với các dòng Keo lai BV10, BV16, BV32; xây dựng các dự án về thiết lập nguồn giống các loại cây bản địa Lim xanh, Giổi để nâng cao chất lượng giống và chủ động sản xuất giống tại địa phương.

Tăng cường công tác theo dõi hiện trạng rừng thông qua áp dụng công nghệ thông tin để phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng nhằm kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép; đặc biệt, tăng cường các biện pháp ngăn chặn hiệu quả và đẩy lùi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng; xóa bỏ các điểm nóng về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị, chủ rừng, nhất là các vùng trọng điểm, thực hiện có hiệu quả các biện pháp PCCCR; tuyên truyền vận động các chủ rừng có giải pháp thu dọn cành nhánh, cây ngã đổ do bão số 9 nhằm làm giảm vật liệu cháy; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ PCCCR để phục vụ công tác chữa cháy rừng đạt hiệu quả trên từng địa bàn. Khẩn trương xây dựng dự án nâng cao năng lực PCCCR tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 trình Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét phê duyệt.

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống cây lâm nghiệp; chỉ đạo các vườn ươm chăm sóc cây giống lưu vườn và chuẩn bị các điều kiện để gieo tạo cây con phục vụ kế hoạch trồng rừng, chăm sóc rừng.

Phối hợp với các Tổ chức Quốc tế triển khai thực hiện các dự án hiệu quả như: Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; dự án dự trữ cacbon và bảo tồn đa dạng sinh học (CarBi pha 2), dự án Tăng cường năng lực quản lý rừng cộng đồng (dự án SIDA). Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ của tỉnh giai đoạn 2020 - 2030, trước mắt tập trung chuẩn bị triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ cac-bon rừng; phối hợp với Công ty Dầu khí Eni Vietnam B.V về kế hoạch hợp tác đầu tư phục hồi rừng để kinh doanh tín chỉ cac-bon…

Đối với Phát triển nông thôn:

Tiếp tục chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đối với các xã đã đạt chuẩn. Tập trung hướng dẫn xây dựng các “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”; hỗ trợ thôn, xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025; tập trung xây dựng/nâng cấp các điểm bán hàng OCOP, trung tâm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh; hỗ trợ các hoạt động phát triển đối tác trong Chương trình OCOP.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân trong việc liên kết, hợp tác tiêu thụ nông sản, trong đó các địa phương xã, huyện cần phải tập trung việc xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, cung cấp thông tin cho các bên tham gia liên kết, xây dựng mô hình liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

 Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế tập thể - HTX nông nghiệp, cùng với việc chỉ đạo chuyển đổi hoạt động có hiệu quả thông qua việc liên kết, hoặc liên doanh sản xuất, gắn với tập trung, tích tụ đất đai, xây dựng vùng chuyên canh lớn.

Tập trung triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án khu tái định cư, tổ chức di dời các hộ dân vùng thiên tai bị uy hiếp nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Tỉnh uỷ Quảng Nam.

Một số công tác khác:

 Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường công tác khuyến nông, tập trung hướng dẫn thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả tại các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai vừa qua (cây ăn quả, nhất là cây Măng cụt, cây dược liệu…); các mô hình nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất; chương trình phát triển các sản phẩm OCOP; các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; các mô hình kinh tế vườn gắn với xây dựng xã nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn; thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư hợp tác liên kết với người dân trong phát triển dược liệu, ngay từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT:

Ban hành văn bản hướng dẫn sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu năm 2021 và các biện pháp nhằm phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất.

Tập trung theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và con vật nuôi; công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn.

Tổ chức phối hợp với các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn xây dựng kế hoạch vận hành xả nước qua phát điện phù hợp, sử dụng nước hiệu quả;

Theo dõi, chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam thực hiện việc tính toán, cân đối khả năng nguồn nước của các hồ chứa nước, xây dựng kế hoạch điều tiết phù hợp nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất cho đến cuối vụ; thực hiện các biện pháp tưới luân phiên, tưới "khô, ướt xen kẽ" để tiết kiệm nước; triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp chống hạn, mặn xâm nhập nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2021.

 

TD

Lượt xem:  338 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 34 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20 30
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com