Khởi sắc từ nông thôn mới
Nam Trà My khởi sắc từ nông thôn mới
Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với lồng ghép các nguồn vốn giúp đồng bộ hóa đầu tư hạ tầng cơ sở, huyện Nam Trà My đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Chương trình NTM ở Nam Trà My được triển khai với mục tiêu hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức cho đồng bào vùng cao địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững. Với định hướng chiến lược theo lộ trình cụ thể, sau gần 10 năm triển khai, kết quả đem lại từ NTM đã giúp huyện ngày một khởi sắc, nhất là trong việc mở rộng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân địa phương.
Theo Ban Chỉ đạo NTM của huyện Nam Trà My, đến nay, địa phương đã huy động được hơn 1.214 tỷ đồng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Nhờ đó, nhiều công trình đường dân sinh, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc các xã, hệ thống kênh mương thủy lợi… được xây dựng khang trang, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, góp phần hoàn thiện mục tiêu đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở tại địa phương miền núi.
Xác định mục tiêu xây dựng NTM gắn với công tác giảm nghèo, những năm qua, bên cạnh ưu tiên chuyển đổi các giống cây trồng từ giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao như các loại cây dược liệu, quế Trà My,… Huyện còn chú trọng mở rộng phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày phù hợp với điều kiện khí hậu của từng vùng nhằm mở hướng giảm nghèo cho đồng bào địa phương. Điển hình như mô hình trồng, chăm sóc và di thực giống sâm Ngọc Linh tại 7/10 xã; phát triển vườn dược liệu đảng sâm, quế Trà My cùng một số loại thảo dược có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, lãnh đạo, chính quyền huyện Nam Trà My đã tích cực chủ động ban hành kế hoạch và chỉ đạo 10 xã huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án (chương trình giảm nghèo bền vững, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách hỗ trợ của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới…) để giúp các xã trong sớm hoàn thành các tiêu chí NTM.
Kết quả thu được là 2019 các xã đạt được kết quả cụ thể như sau: xã Trà Mai (xã nông thôn mới của tỉnh) đạt 18 tiêu chí; xã Trà Don đạt 10 tiêu chí; xã Trà Vân, xã Trà Nam đạt 09 tiêu chí; xã Trà Tập, xã Trà Dơn, xã Trà Linh, Trà Cang, xã Trà Leng, Trà Vinh đạt 08 tiêu chí; bình quân chung đạt 9,4 tiêu chí/xã.
Sắp xếp, bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới
Bố trí, sắp xếp dân cư có tác động không nhỏ đến việc ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, hình thành các điểm dân cư mới có cơ sở hạ tầng thiết yếu, giữ vững an ninh chính trị, gắn với bảo vệ môi trường, tạo tiền đề để xây dựng Nông thôn mới. Ông Nguyễn Công Dũng - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Trà My, cho biết: “Việc sắp xếp, bố trí dân cư đã tạo điều kiện cho người dân Nam Trà My có chỗ ở ổn định, đặc biệt là các hộ dân sống ở những nơi có nguy cơ sạt lở, nơi thiếu đất ở, đất sản xuất. Giải quyết được tình trạng dân cư sống thưa thớt, không tập trung, khó khăn cho việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ đó, người dân đã phát huy được vai trò là chủ thể trong quá trình triển khai thực hiện, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân”.
“Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, các tuyến đường giao thông kết nối liên thôn, liên xã đảm bảo thông suốt trong các mùa, thực hiện tốt Nghị quyết chuyên đề của HĐND huyện về quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông huyện Nam Trà My giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến 2025; xây dựng các cây cầu quy mô nhỏ kết nối liên vùng; đảm bảo hộ gia đình sử dụng điện thường xuyên. Xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ đa mục tiêu phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, cấp nước sinh hoạt. Phát triển chợ đầu mối, khu vực, chợ dân sinh nhằm mở rộng giao lưu, trao đổi, quảng bá hàng hóa nông sản tại các vùng” - ông Dũng cho biết thêm.
Như vậy, việc quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ưu tiên cho việc sắp xếp, di dời cho các đối tượng hộ có nguy cơ sạt lở là hướng đi quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Nam Trà My. Đồng thời với việc đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao tại các xã, cụm xã; phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng đồng bộ, đảm bảo chuyển tải được các dịch vụ phát thanh, truyền hình, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.