Bưu điện văn hóa xã Tam Lộc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính
Sau gần 5 năm triển khai Đề án cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của ngành bưu điện, đến nay BĐVHX thực sự trở thành một thiết chế văn hóa cơ sở ở nông thôn, thu hút người dân đến BĐVHX không chỉ để sử dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông mà có rất nhiều người dân đến đây để tìm hiểu thông tin văn hóa xã hội, kinh tế, kỹ thuật,...qua sách báo, internet. Khoảng cách chênh lệch thông tin liên lạc giữa các vùng miền trong tỉnh đã được rút ngắn đáng kể. Người dân được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ bưu chính, viễn thông thuận lợi hơn và nắm bắt các thông tin nhanh chóng, kịp thời. Việc chuyển tải thông tin tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước đến cho nhân dân được sâu rộng và hiệu quả hơn.
Thực hiện Đề án, tỉnh đã phân bổ hơn 5 tỷ đồng cho việc đầu tư mới theo lộ trình của đề án cho 96 điểm BĐVHX và duy trì hoạt động cho 50 điểm ĐVBX. Kết quả, từ năm 2015 – 2019 đã tiến hành đầu tư 192 máy tính, 192 bộ bàn ghế máy tính, 96 tủ sách, 96 bộ bàn ghế đọc sách (01 bàn đọc sách và 06 ghế đọc sách); 27.839 đầu sách, hơn 343.263 đầu báo. Đồng thời, hằng năm Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn đào tạo nghiệp vụ thư viện, bưu chính,viễn thông, kỹ năng sử dụng máy tính và truy cập internet cho nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã.
Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh đã có những giải pháp làm thay đổi bộ mặt của điểm BĐVHX, tận dụng tiềm năng, mạng lưới, cơ sở vật chất và nhân lực hiện có tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã, Bưu điện tỉnh đã mở rộng thêm các dịch vụ cung cấp cho người dân ngoài những dịch vụ trước đây đã cung cấp như: Chuyển tiền nhanh, thu hộ, tiết kiệm, Fax, bán sim, thẻ, chuyển phát chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, internet công cộng, phát hành báo chí, dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội, người có công với cách mạng, thu bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế cho đối tượng tự đóng, bán hàng tiêu dùng, bán vé máy bay, vé xe, vé tàu,... So với 5 năm trước đây doanh thu của các điểm Bưu điện Văn hóa xã đã tăng một cách rõ rệt, bình quân doanh thu phát sinh của mỗi điểm hiện nay khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Với quyết tâm xây dựng và phát triển điểm BĐVHX thành Trung tâm cung cấp thông tin cộng đồng, phục vụ xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự đầu tư của nhà nước và của ngành Bưu điện, BĐVHX đã được “thay áo” mới. Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Các tường rào quanh khuôn viên cũng được sửa chữa lại. Cùng với cơ sở, nhân viên tại điểm cũng đã được đơn vị tuyển chọn cẩn thận để đáp ứng được nhu cầu công việc. Qua 5 năm triển khai và thực hiện, hiện nay BĐVHX đã thu hút được rất nhiều người dân tới giao dịch, chuyển phát thư từ, chuyển tiền,…Số lượng người dân đến điểm BĐVHX để sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin thông qua sách báo, Internet ngày càng tăng, từ 30 đến 50%, nhất là các điểm ở vùng đồng bằng.
Bưu điện tỉnh Quảng Nam cũng đã chủ động có các biện pháp để khuyến khích người lao động phát triển dịch vụ, căn cứ trên doanh thu các dịch vụ trong tháng, người lao động sẽ được trả thêm % hoa hồng theo quy định. Ngoài ra Bưu điện tỉnh xây dựng cơ chế khuyến khích tăng trưởng doanh thu, giao chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, doanh thu; xem xét đưa các dịch vụ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương vào các điểm BĐVHX và quy định mức chi hoa hồng một số dịch vụ ngoài các dịch vụ bắt buộc.
Nhờ sự thay đổi cung cách phục vụ, năng động phát triển dịch vụ, đặc biệt là từ khi triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 – 2015, cho đến đề án “Phát triển hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020” giai đoạn 2015 - 2019 hoạt động tại điểm BĐVHX xã đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Ngoài các dịch vụ truyền thống của ngành, Bưu điện tỉnh triển khai thêm một số dịch vụ khác như dịch vụ hành chính công, chi trả lương hưu, người có công với cách mạng, trợ cấp bảo hiểm xã hội, thu cước các dịch vụ viễn thông, kinh doanh các loại hình bảo hiểm, bán hàng tiêu dùng về nông thôn… tại một số điểm BĐVHX hiện nay Bưu điện tỉnh đang triển khai mô hình BĐVHX đa dịch vụ. Nổi bật về hiệu quả đề án mang lại sự thay đổi cho bộ mặt BĐVHX là các điểm BĐVHX Tiên Mỹ, Duy Sơn, Quế Long, Điện Phước, Đại Phong,...
Triển khai thực hiện Đề án, Bưu điện tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, địa phương đăng ký về đích nông thôn mới đến năm 2020 xây dựng triển khai nhiều biện pháp tích cực, phát động phong trào thi đua thực hiện đổi mới hoạt động các Điểm BĐVHX. Điều này đã góp phần mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của Điểm BĐVHX đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của từng địa phương. Qua 5 năm triển khai, đã củng cố lại hoạt động của các điểm BĐVHX,khôi phụclại 02 Điểm BĐVHX đã ngừng hoạt động (Trà Don, Tam Đại); thiết lập được 15 điểm BĐVHX kết hợp (A Xan, A Vương, Sơn Viên, Quế Lâm, Phước Thành, Phước Kim, Cẩm Kim, Điện Thắng Nam, Duy Phú, Bình Định Nam, Tam Sơn, Tam Mỹ Tây, Tam Thanh, Trà Vân, Trà Linh); tại 08 xã có Bưu cục cấp 3 đã bố trí lại không gian dành cho điểm BĐVHX. Điểm BĐVHX đã được sửa chữa khang trang, sạch sẽ; máy tính, đường truyền internet, sách, báo được trang bị đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân đến sử dụng dịch vụ.
Đến năm 2019, 100% xã đăng ký về đích nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã đạt tiêu chí số 8.1 về Nông thôn mới, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân vùng nông thôn, miền núi; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân đặc biệt là các khu vực miền núi.