Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: Mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhưng tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, lây lan diện rộng, tỷ lệ tái phát bệnh nhiều địa phương cao; đáng lo ngại, trước đây dịch bệnh chỉ xuất hiện ở nhưng nơi chăn nuôi nhỏ lẻ, nay đã xuất hiện ở một số trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, tập trung; công tác phòng, chống dịch bệnh ở một số địa phương còn nhiều bất cập... Do đó, các cấp ngành chức năng, địa phương cần tập trung tìm nguyên nhân các tồn tại nêu trên; triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo báo cáo tại cuộc họp, sau thời gian 05 tháng xuất hiện, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh chưa có dấu hiệu dừng lại và vẫn còn tiếp tục lây lan. Tính đến hết ngày 14/10/2019, toàn tỉnh có tổng số lợn tiêu hủy do bệnh DTLCP là hơn 136 nghìn con. Bệnh DTLCP không chỉ xảy ra ở những cơ sở chăn nuôi hộ gia đình mà còn xảy ra ở những cơ sở chăn nuôi của các đơn vị quân đội, công an đóng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra dịch bệnh cũng đã xuất hiện tại một số cơ sở giết mổ tập trung. Hiện nay, còn 02 huyện Đông Giang và Tây Giang chưa có dịch bệnh.
Ước tính thiết hại ban đầu đến ngày 14/10/2019 ngân sách tỉnh phải chi cho công tác chống dịch bệnh DTLCP là hơn 237 tỷ đồng; tỉnh cũng đã cấp ứng hơn 57 tỷ đồng để chi hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn tiêu hủy do bệnh DTLCP và phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Xác định nguyên nhân dẫn đến tình hình dịch bệnh lây lan cao, Chi cục Thú y cho biết: Vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan của địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh; công tác phòng, chống dịch còn nhiều bất cập, không đảm bảo các điều kiện sinh học trước và sua khi xử lý ổ dịch; việc xử lý lợn dịch bệnh còn nhiều bất cập; nhiều địa phương có hộ chăn nuôi tái đàn trong thời gian còn dịch, giết mổ trái phép; điều kiện thời tiết thay đổi, chuẩn bị vào mùa mưa, lũ gây khó khăn trong công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng...
Nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, Chi cục Thú y cho biết, trong thời gian tới DTLCP sẽ tiếp tục phát sinh tại những địa phương chưa xảy ra dịch và tái phát ở những địa phương có dịch đã qua 30 ngày hoặc dịch bệnh tiếp tục xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn.
Tại cuộc họp, các địa phương đã có nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp ngăn chặn dịch bệnh. Trong đó, chủ yếu đề xuất tỉnh hỗ trợ vắc xin, thuốc phòng, chống dịch bệnh; tăng mức hỗ trợ cho cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ chỉ đạo cấp cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng trừ dịch bệnh; các ngành chức năng sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương; giải quyết kịp thời, trao tận tay người chăn nuôi kinh phí hỗ trợ thiệt hại; tổ chức lại lực lượng phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương; tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ; xem xét lại quy trình phòng, chống dịch bệnh, xử lý tiêu hủy của địa phương...bên cạnh đó, các ngành chức năng cần có hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh cho địa phương trong mùa mưa lũ; nhận định tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch tái đàn, đảm bảo lượng thịt cung ứng trong dịp tết...