Ảnh minh họa
Quy định này quy định về các hành vi, trách nhiệm và cách thức công khai xin lỗi của cơ quan hành chính nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.
Theo đó, các trường hợp phải thực hiện xin lỗi gồm: 1. Có hành vi, thái độ cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, không đúng quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi giao tiếp với cá nhân, tổ chức trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.
2. Tiếp nhận hồ sơ không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị.
3. Không hướng dẫn cụ thể, đầy đủ bằng Phiếu hướng dẫn hoặc Phiếu yêu cầu bổ sung hồ sơ để cá nhân, tổ chức phải đi lại từ 02 lần trở lên để hoàn thiện hồ sơ.
4. Không in Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho cá nhân, tổ chức.
5. Từ chối tiếp nhận hồ sơ không đúng quy định.
6. Từ chối giải quyết hồ sơ thuộc thẩm quyền thực hiện của phòng, ban, bộ phận mình không đúng quy định, không có lý do chính đáng bằng văn bản.
7. Yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp các loại giấy tờ, tài liệu ngoài thành phần hồ sơ thủ tục hành chính được quy định (trừ trường hợp có văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền).
8. Để bị mất, thất lạc, hoặc hư hỏng hồ sơ đã tiếp nhận của cá nhân, tổ chức.
9. Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn.
10. Tự ý nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức để giải quyết; trực tiếp gặp cá nhân, tổ chức để hướng dẫn, bổ sung hồ sơ hoặc giao trả kết quả giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức, không thông qua Bộ phận Một cửa theo quy định.
11. Thu phí, lệ phí không đúng quy định.
12. Cản trở cá nhân, tổ chức lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. 13. Tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật của cá nhân, tổ chức hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi.
4. Kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính có sai sót do lỗi của cơ quan, đơn vị.
15. Các hành vi vi phạm pháp luật khác trong thực thi công vụ
Quy định nêu rõ, người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm thực hiện xin lỗi, trực tiếp ký vào văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức và chịu trách nhiệm về việc thực hiện xin lỗi của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đối với các thủ tục hành chính thực hiện liên thông, cơ quan, đơn vị nào có lỗi thì gửi văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức đến cơ quan, đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ. Công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa của cơ quan, đơn vị đầu mối có trách nhiệm chuyển thư xin lỗi đến cá nhân, tổ chức.