 |
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh. Ảnh: N.C |
Bà Hạnh cho biết, trong công cuộc đổi mới, xây dựng hội nhập và phát triển đất nước, thực hiện quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Nam lần thứ II, cùng với tỉnh Quảng Nam, các DTTS đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng và an ninh. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền địa phương được củng cố và tăng cường. Đặc biệt, bên cạnh triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho vùng DTTS của Trung ương theo các nguồn phân bổ, những năm qua Quảng Nam cũng thực hiện nhiều chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS, góp phần rút ngắn dần khoảng cách giữa vùng DTTS và vùng phát triển trên địa bàn tỉnh.
* Thứ trưởng có nhận xét gì về những dấu ấn của Quảng Nam trong công tác dân tộc thời gian qua?
Bà Hoàng Thị Hạnh: Có thể nói, trong thời gian qua, nông thôn miền núi, vùng DTTS ở Quảng Nam đã có nhiều đổi mới, đời sống đồng bào được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Đội ngũ cán bộ DTTS được chăm lo, nông thôn mới vùng DTTS được xây dựng với nhiều tiêu chí trọng tâm, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, giảm nghèo nhanh với 6,5%/năm, an sinh xã hội được đảm bảo. Bản sắc văn hóa của đồng bào được phát huy và bảo tồn, giá trị văn hóa truyền thống có điều kiện phát huy trong khu vực và trong cả thế giới. Khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng bền chặt, niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước chính quyền các cấp ngày càng sâu sắc, ân tình sâu nặng với Đảng và nhân dân ngày càng được gắn kết. Đó là sức mạnh cho tỉnh Quảng Nam nói chung và nhân dân các DTTS tỉnh Quảng Nam trong hội nhập và phát triển để giành được nhiều thành tựu hơn nữa.
 |
Từ chính sách của Nhà nước, diện mạo đời nông thôn miền núi Quảng Nam có nhiều khởi sắc. Ảnh: N.C |
Có được những kết quả đó, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, cả hệ thống chính trị và cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc nhiều thế hệ đã chăm lo cho đồng bào DTTS. Đồng thời, phải kể đến sự nỗ lực vượt khó, vươn lên của đồng bào DTTS, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người có uy tín, những nhân sĩ, tri thức của đồng bào DTTS, những người lao động trực tiếp trên mảnh đất quê hương của mình. Thay mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, tôi xin được chia vui và biểu dương những kết quả của đồng bào DTTS Quảng Nam đã đạt được trong việc thực hiện tâm thư của mình trong Đại hội lần thứ II và trong thời gian vừa qua. Tự hào với những thành tích đã đạt được, tôi cũng đồng thuận cao với trăn trở của tỉnh, của đồng bào về những khó khăn, tồn tại ở vùng đồng bào DTTS, khi đời sống bà con còn những khó khăn nhất định.
*Thưa Thứ trưởng, để thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tốt hơn, đi vào thực chất, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững, Trung ương đã có những hoạch định gì trong giai đoạn sắp tới?
Bà Hoàng Thị Hạnh: Có thể nói, trong suốt giai đoạn vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS, góp phần tích cực trong việc giảm nghèo một cách toàn diện. Tuy nhiên, sự đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào DTTS vẫn còn chưa đạt được theo mục tiêu đặt ra, là rút ngắn khoảng cách giữa các vùng phát triển trong đồng bào DTTS. Vì vậy, ngày 13.8.2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 59 thông qua đề án tổng thể đầu tư, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10.2019 này để trở thành chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nếu được thông qua, chúng ta sẽ khắc phục căn bản những tồn tại hạn chế hiện nay, không chỉ ở vùng đồng bào DTTS Quảng Nam mà còn trong cả nước.
Chúng ta sẽ có cơ hội phát triển mới, đời sống đồng bào các DTTS nhất định sẽ được cải thiện và nâng lên. Nguyên tắc cơ bản nhất của công tác dân tộc là phát huy tinh thần đoàn kết của đồng bào, hài hòa để giúp nhau cùng phát triển. Thực tế hôm nay, đời sống một bộ phận đồng bào thiểu số còn khó khăn, 9 tỉnh trong cả nước còn có tỷ lệ đồng bào DTTS nghèo trên 90%, 4 tỉnh có tỷ lệ 70 - 90%, 14 tỉnh có tỷ lệ 50 đến dưới 70%. Tỉnh Quảng Nam tuy tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, vùng đồng bào DTTS cũng giảm 6,5% nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao, còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và còn cần phải tích cực hơn trong việc ổn định dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi còn 25,32%. Do vậy, trong chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi mong tỉnh tiếp tục kết hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành Trung ương, quan tâm đến đầu tư, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân và có giải pháp đột phá, đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục với quyết tâm chính trị cao để giảm nhanh hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS.
Mọi chính sách của Trung ương hay địa phương ban hành đều nhằm mục tiêu tăng nhanh mức sống, giảm hộ nghèo bền vững cho đồng bào. Nhưng điều này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề là tạo sinh kế bền vững cho bà con. Định hướng trong chính sách giai đoạn tới, trong chương trình đề xuất mục tiêu quốc gia, Ủy ban Dân tộc đã đề nghị giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, trong đó tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội là một kênh huy động quan trọng. Tăng cho vay hộ, khuyến khích cho vay vừa và nhỏ, tạo sản phẩm cho chuỗi giá trị đồng thời khơi dậy tinh thần chủ động vượt khó của đồng bào DTTS, nỗ lực huy động cả nước tham gia chương trình giảm nghèo bền vững…
* Thứ trưởng có thông điệp gì muốn chia sẻ với đồng bào các DTTS Quảng Nam nhân chuyến thăm Quảng Nam lần này?
Bà Hoàng Thị Hạnh: Hãy tự hào là người công dân, người con của Quảng Nam anh hùng, tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chủ động góp phần cùng nhau phát triển quê hương Quảng Nam và đất nước. Không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế xã hội. Hãy chăm lo phát triển đời sống của đồng bào DTTS theo lời Bác Hồ dạy: Không phân biệt người Thượng, người Kinh, đoàn kết cùng phát triển như anh em một nhà, để có những đổi thay tiếp theo ở vùng DTTS Quảng Nam.
Tôi muốn nhắn gửi một điều rằng, nếu chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ mà sự làm chủ từ chính phía người dân không được khơi dậy thì sự tác động của chính sách cũng sẽ không bền vững. Vì vậy, một trong những trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đó là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo ngay trên chính quê hương miền núi. Để làm được điều đó, cần phải tạo ra các mô hình sinh kế bền vững bằng cách cho vay hộ nghèo tạo động lực để đồng bào phát triển. Đồng thời chính quyền địa phương cần có sự kết nối, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo cung ứng ra thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, khởi nghiệp trong thanh niên đồng bào DTTS cũng là một trong vấn đề được chúng tôi quan tâm, khuyến khích. Bởi đây là đội ngũ nòng cốt, có sức khỏe và trí tuệ, làm cầu nối để truyền cảm hứng giúp hình thành nên các câu lạc bộ khởi nghiệp trong thanh niên DTTS, mở ra hướng phát triển mới bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm trong tương lai.
*Xin cảm ơn Thứ trưởng!