Các ngành chức năng thực hiện tiêu hủy lợn nhiễm dịch bệnh. Ảnh :Báo Quảng Nam
Nội dung công văn nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của bệnh Dịch tả lợn Châu phi (DTLCP), trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y; UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh (sau đây gọi là BCĐ tỉnh) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh, tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách và mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh… Tuy nhiên, thời gian qua, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh DTLCP tại một số địa phương đã vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm sát, gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho cộng đồng như: Việc tiêu hủy lợn bệnh không đúng quy trình từ khâu vận chuyển lợn bệnh đến nơi chôn lấp, phương tiện vận chuyển, các bước chôn lấp không đảm bảo, để người dân tự tiêu hủy lợn bệnh hoặc tự thuê lao động tiêu hủy lợn bệnh; đặc biệt, tình trạng vứt xác lợn mắc bệnh trên các tuyến kênh, sông, suối gây ô nhiễm môi trường; quản lý, sử dụng hóa chất hỗ trợ chưa đạt hiệu quả; ở một số địa phương thu tiền công vận chuyển của người chăn nuôi có lợn tiêu hủy do bệnh DTLCP; công tác kiểm soát giết mổ chưa đúng quy định, dẫn đến việc tăng tốc độ lây lan dịch bệnh; nhiều địa phương cấp xã tái phát dịch sau 30 ngày…
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP trong thời gian đến; UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung sau:
Về xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP: Đối với cơ sở chăn nuôi lợn (hộ, gia trại, trang trại) có chuồng trại (ô chuồng, dãy chuồng): Tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút DTLCP. Đối với lợn khỏe mạnh còn lại thì được lấy mẫu máu xét nghiệm, nếu kết quả dương tính với vi rút DTLCP thì tổ chức tiêu hủy theo quy định, nếu âm tính với vi rút DTLCP thì được để nuôi hoặc để giết mổ tiêu thụ. Cụ thể: Phạm vi để nuôi hoặc để giết mổ thực hiện theo hướng dẫn chi tiết tại các điểm b, c, mục 1 và b, c mục 2 Công văn số 5169/BNN-TY. Trường hợp có nhu cầu để giết mổ: Thực hiện lấy mẫu theo Hướng dẫn số 3708/HD-BNN-TY ngày 28/5/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (về một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh DTLCP). Sản phẩm từ lợn sau giết mổ tại cơ sở giết mổ nhỏ lẻ theo phương án của UBND cấp huyện không cần lấy mẫu sản phẩm để xét nghiệm vi rút DTLCP. Trường hợp có nhu cầu để nuôi: Thực hiện lấy mẫu theo Hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (về kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh DTLCP). Chủ cơ sở chăn nuôi lợn chịu trách nhiệm chi trả kinh phí lấy mẫu, gửi mẫu và xét nghiệm mẫu đối với lợn khỏe mạnh nêu trên theo quy định (cả trường hợp âm tính và trường hợp dương tính với vi rút DTLCP).
Đối với hộ chăn nuôi lợn thả rông, không có chuồng trại: Thực hiện xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo các văn bản đã ban hành nhằm đảm bảo không lây lan dịch bệnh.
Về kiểm soát vận chuyển lợn ra ngoài, vào vùng dịch của các trang trại chăn nuôi có điểm trung chuyển: Thực hiện theo mục 4 Công văn số 5169/BNN-TY.
Về kinh phí hỗ trợ phòng, chống bệnh DTLCP: Kinh phí hỗ trợ tiêu hủy do bệnh DTLCP và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch thực hiện theo Quyết định số 2489/QĐ-UBND ngày 02/8/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chi trả công lao động phổ thông (bao gồm cả bảo hộ lao động) 400.000 đồng/ngày/người để thực hiện phun hóa chất tiêu độc, khử trùng ở ổ dịch, các khu vực công cộng có nguy cơ cao theo số ngày công thực tế thực hiện. Chi trả công lao động phổ thông thực hiện tiêu hủy động vật theo định mức tại khoản 5 Điều 9 Quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 của UBND tỉnh.
Thời gian áp dụng: Từ ngày 27/6/2019 đến ngày 31/12/2019.
UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng dịch bằng vôi bột, hóa chất; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; khai báo dịch bệnh kịp thời, không vứt xác lợn bệnh, chết ra môi trường; không thực hiện tái đàn trong thời gian có dịch. Tổ chức thông tin, tuyên truyền và giải thích rõ cho người dân về chính sách và mức hỗ trợ có liên quan đến phòng, chống bệnh DTLCP. Tăng cường thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đảm bảo đúng nguyên tắc (quét dọn sạch trước khi phun, pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích…), tần suất quy định nhằm tiêu diệt mầm bệnh; tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ con lợn mắc bệnh cuối cùng bị chết, tiêu hủy bắt buộc cuối cùng mà không có con vật nào khác bị mắc bệnh hoặc chết vì dịch bệnh DTLCP để thực hiện công bố hết dịch theo quy định.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng phương án giết mổ lợn để tiêu thụ nhằm giảm đàn trong thời gian có dịch (phương án cần nêu rõ các thông tin: Tên điểm giết mổ, họ và tên chủ cơ sở, địa chỉ, số lượng gia súc giết mổ bình quân trong ngày, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp làm kiểm soát giết mổ, giải quyết nhu cầu giết mổ của bao nhiêu xã trên địa bàn…), đảm bảo mỗi địa phương cấp huyện không quá 3 điểm giết mổ tương đối đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường. Gửi phương án về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) trước ngày 30/8/2019 để tổng hợp, kiểm tra, phê duyệt.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh; vận chuyển, kinh doanh, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; vứt xác lợn mắc bệnh, chết và sản phẩm của lợn ra môi trường… theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp: Thu trái phép tiền của dân, yêu cầu người dân tự tiêu hủy lợn bệnh, thuê lao động tiêu hủy lợn bệnh, khai không đúng về số lượng, trọng lượng lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định để trục lợi.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện theo đúng quy định. Phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP, xử lý lợn mắc bệnh DTLCP…, nếu có vướng mắc thì tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh cấp tạm ứng kinh phí cho các địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP đảm bảo kịp thời và đúng quy định.