|
Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX Nông dược xanh Tiên Phước đã có chỗ đứng trên thị trường nhờ vào đội ngũ trẻ, có trình độ chuyên môn cao và đầy nhiệt huyết vì công việc chung. Ảnh: T.LỘ |
Theo Liên minh HTX Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 216 HTX, 1 liên hiệp HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, tương đối toàn diện... Riêng trên lĩnh vực nông nghiệp, hiện có 180 HTX và 1 liên hiệp HTX hoạt động sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều HTX hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, làm ăn thua lỗ, bế tắc, có nguy cơ giải thể là do phần lớn trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ còn hạn chế, dẫn đến việc tổ chức quản lý và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của các HTX gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói là hầu hết các HTX nông nghiệp chỉ dừng lại ở việc cung ứng dịch vụ đầu vào, chưa thay đổi phương thức sản xuất, quản lý tài chính không khoa học, dẫn đến làm ăn thua lỗ, thu nhập của các thành viên HTX không cao, không tạo được sự tin tưởng cho các thành viên HTX cũng như nhà đầu tư.
Theo ông Harm Haverkort - Giám đốc Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV (gọi tắt là Agriterra) tại Việt Nam, nguồn nhân lực đang là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của các HTX trên địa bàn tỉnh. Phần lớn cán bộ quản lý HTX hiện nay có tuổi đời khá cao, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, dẫn dẫn đến việc quản lý, điều hành HTX thiếu tầm nhìn, thiếu kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn; thiếu kỹ năng lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh và tìm kiếm thị trường, marketing thì vấn đề tiếp cận thị trường để bán sản phẩm càng khó khăn hơn và hiệu quả kinh tế mang lại thấp.
Đứng trước thực trạng đó, kể từ năm 2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND ban hành một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn tỉnh. Đến nay, ngân sách tỉnh đã chi 8,4 tỷ đồng hỗ trợ 42 HTX đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải ngân 40 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho 172 tổ hợp tác và HTX, hỗ trợ 1,6 tỷ đồng cho 20 sinh viên tốt nghiệp đại học về làm giám đốc và phó giám đốc tại các HTX theo diện thu hút người có trình độ về làm việc tại HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, trong những năm qua, các HTX đã cử 113 cán bộ HTX đào tạo đại học, cao đẳng, nâng số cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên từ 235 người (năm 2013) lên 306 người (năm 2018), chiếm tỷ lệ 21,3% so với tổng số cán bộ quản lý HTX. Tính đến nay, trên toàn tỉnh, số lượng cán bộ quản lý HTX đạt trình độ sơ, trung cấp là 1.028 người, tăng 421 người so với năm 2013, chiếm tỷ lệ 71,68%. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh đã liên kết với các trường, trung tâm đào tạo thuộc Liên minh HTX Việt Nam mở hàng chục khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản trị, điều hành HTX cho các chức danh là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc, ban kiểm soát và kế toán trưởng…, đã giúp cho cán bộ HTX nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác quản lý, điều hành và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Mới đây, Tổ chức Phát triển Hà Lan và Liên minh HTX Việt Nam ký kết chương trình hợp tác hỗ trợ một số HTX trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất, liên kết với thị trường thông qua chuỗi giá trị, tiến tới hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, phát triển dần từ sản xuất tiến tới xuất khẩu. Trong đó, tập trung chuyển giao kỹ thuật cũng như đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, marketing của đội ngũ cán bộ HTX nông nghiệp trong việc tham gia liên kết chuỗi giá trị sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường.
Mục tiêu trong năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu thành lập mới từ 30 - 35 HTX, tập trung xây dựng ít nhất 2 mô hình HTX cấp tỉnh, 10 mô hình HTX cấp huyện, lựa chọn 3 sản phẩm tiêu biểu tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, thu hút 7 - 10 người có trình độ đại học về làm việc tại HTX, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho 7 - 10 HTX nông nghiệp…
Theo ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trong những năm đến, cùng với việc xây dựng và triển khai các đề án phát triển mô hình kinh tế HTX kiểu mới, điển hình tiên tiến, nhất là tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân nhằm sản xuất theo chuỗi, gắn chế biến với tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế, Liên minh HTX tỉnh sẽ chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho HTX, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ này, đào tạo và đào tạo lại cho thành viên, người lao động trong HTX để đảm đương công việc được giao. Đây là nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của thành phần kinh tế tập thể của Quảng Nam trong những năm đến.