Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang trên địa bàn huyện
Theo thông tin tại buổi tọa đàm, Thăng Bình là huyện nông nghiệp với gần 60% người dân sản xuất nông nghiệp, diện tích đất sản xuất đất nông nghiệp là 29.081 ha, chiếm 70,5% diện tích toàn huyện. Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung, đất nông nghiệp nói riêng trên địa bàn huyện đã từng bước đi vào nề nếp, phát huy được hiệu quả sử dụng đất, nguồn lực đất đai, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Qua triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiện nay toàn huyện có 09 cánh đồng lớn với 513ha, trong đó có 282ha được liên kết sản xuất và tích tụ tập trung ruộng đất. Trong đó xã Bình Đào là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất. Kết quả của việc liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất đã cho hiệu quả sản xuất tốt, giá trị sản xuất cao hơn so với sản xuất đại trà. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng nông thôn mới cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương được đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt là vụ sản xuất Đông Xuân và Hè Thu năm 2019, đã xuất hiện tình trạng nông dân nhiều nơi bỏ ruộng, không canh tác. Diện tích đất lúa bỏ hoang trên 01 năm là 121,4ha, trong đó vụ Đông Xuân 2018-2019 là 49,4ha, vụ Hè Thu 2018-2019 là 400,5ha; diện tích đất màu bỏ hoang, không sản xuất vụ Hè Thu là 703,6ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng Đông của huyện. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống xã hội, tác động đến tâm lý người dân ở khu vực nông thôn, mà còn khiến đất đai màu mỡ bị hoang hóa trong khi nhu cầu lương thực ngày càng gia tăng, gây lãng phí trong việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp. Nguyên nhân thực trạng bỏ đất hoang là do thiếu lao động, đất nhiễm mặn, đất sình lầy, nạn chuột cắn phá, hiệu quả kinh tế từ trồng lúa không cao…
Tại hội thảo, nhiều kiến nghị, đề xuất được nêu ra như: Cần phải đầu tư công trình thủy lợi; đê ngăn mặn dọc sông Trường Giang; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó trồng sen, nuôi cá nước ngọt. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp, các chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân. Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích các Hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn và vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Phát huy vai trò của HTX trong việc TTTTRĐ với diện tích nhỏ hơn từ 5 đến 10ha thay vì 20ha thời gian qua. Đối với những diện tích đất thuận lợi nhưng nông dân bỏ hoang không sản xuất cần phải được thu hồi…