|
Tham gia các hội chợ là dịp để địa phương giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng cao. Ảnh: C.T |
Nhiều chuyển biến
Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh - chủ Cơ sở sản xuất Hoàng Oanh, chia sẻ: “Tôi đang tất bật chuẩn bị để sắp tới dự một hội chợ được tổ chức ở Tam Kỳ”. Cơ sở có địa chỉ ở thôn Ba, thị trấn Prao này sẽ trưng bày, giới thiệu và phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng gồm rượu ka kun, ớt A riêu, chè dây Ra zéh… Những sản phẩm đặc trưng xuất xứ từ vùng cao Đông Giang, trong đó, rượu ka kun là sự kết hợp giữa củ ka kun (còn gọi thổ phục linh) đem ngâm với rượu gạo, có tác dụng chữa thấp khớp, huyết áp cao, mát gan, chữa ho cho trẻ em. Ban đầu, chị Hoàng Oanh ngâm rượu ka kun chỉ để mời khách quý đến thăm nhà. Dần dà, qua giới thiệu của người quen, khách hàng đã tìm đến đặt vấn đề cung cấp số lượng lớn. Sau vài năm, rượu ka kun giờ là sản phẩm hàng hóa, thị trường không còn quanh quẩn ở miền núi mà vươn ra khỏi tỉnh. Tại Prao, Cơ sở sản xuất Thu Thảo vươn lên cũng từ điểm tựa sản vật núi rừng. Đồng bào miền núi có thêm thu nhập qua nhận cung cấp củ ka kun và sản vật khác cho các cơ sở chế biến tại địa phương.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang - ông Lê Vương bộc bạch, canh tác nông nghiệp ở vùng cao với đầu ra như lúa, bắp, rau, đậu thuần túy phục vụ lại cho chính đời sống, sản xuất của đồng bào. Cạnh đó, nhiều loại cây trồng, con vật nuôi khác như bò, heo địa phương, cây keo, chuối mốc, chuối tiêu, lòn bon… được tiêu thụ mạnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đơn cử, một buồng chuối mốc đẹp, thương lái mua khoảng 50 - 100 nghìn đồng. Trúng vào ngày rằm, mùng Một của tháng âm lịch, đặc biệt là Tết Nguyên đán, buồng chuối mốc có giá khoảng 200 nghìn đồng trở lên là chuyện bình thường. Sinh trưởng trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng vùng cao Đông Giang, ớt A riêu thơm mùi thảo mộc, độ cay nồng; chè dây Ra zéh vị ngọt, đắng, tính mát chữa các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột được nhiều người biết đến và tin dùng.
Hướng đến bền vững
Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang khẳng định, khâu canh tác dược liệu dưới tán rừng và tán keo như ba kích, đẳng sâm, sa nhân tím… đang được đẩy mạnh, sau khi chứng minh tính hiệu quả. Không cần chở đi đâu xa, cây keo trồng ra, người dân có thể bán cho nhà máy Nga Doanh Miền Trung đang đóng chân tại xã Ba. Các dự án sản xuất ván công nghiệp và viên nén năng lượng; khu sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp công nghệ cao; trồng rừng kinh tế công nghệ cao, thiết lập mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng trên địa bàn xã Mà Cooih của doanh nghiệp Hào Hưng Đông Giang thể hiện tham vọng lớn. Về phần mình, Đông Giang đang hiện thực hóa nghị quyết của HĐND huyện về trồng cây gỗ lớn, hướng cung cấp cho nhà đầu tư. Quyết định hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn huyện, giai đoạn 2019 - 2020 cũng đã được ban hành.
Báo Quảng Nam từng đề cập việc người dân khai thác ồ ạt củ ka kun, chè dây Ra zéh, ớt A riêu để bán theo kiểu nhỏ lẻ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, gây ảnh hưởng môi trường, không mang tính lâu dài. Khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mang tính thủ công, chụp giựt gây ẩm mốc chè dây, giá cả bị tư thương chèn ép. Vấn đề nêu trên được huyện và các địa phương từng bước tháo gỡ bằng nhiều giải pháp. Minh chứng là sự ra đời, đi vào hoạt động của các hợp tác xã ở xã Mà Cooih (ớt A riêu), xã Tư (chè dây Ra zéh); các cơ quan, ban ngành liên quan tăng cường tập huấn, phổ biến, tuyên truyền về kỹ thuật trồng cho bà con; phát triển điểm thu mua, chế biến... Huyện còn hỗ trợ kinh phí đầu tư về máy móc, bao bì phục vụ khâu sản xuất, tham dự các hội chợ quảng bá trong và ngoài tỉnh. Trên hành trình bước ra thị trường rộng rãi hơn, “ớt A Riêu Ma Cooih”, “chè dây Ra Zéh” xây dựng xong nhãn hiệu tập thể độc quyền.
Vừa qua, UBND huyện Đông Giang quyết định phê duyệt nội dung và dự án đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất giống, trồng và chế biến sản phẩm rượu Tà Vạc”. Hay mới đây, huyện đã họp xét duyệt đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cây nghệ đen tại xã Sông Kôn”. Cho biết thêm về đề tài rượu Tà Vạc, ông Phạm Cườm - chuyên viên Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang chia sẻ, mục tiêu dự án nhằm chuyển giao kỹ thuật gieo ươm, trồng chăm sóc và kỹ thuật thu hoạch, sơ chế sản phẩm, góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa, giải quyết việc làm. Theo đó, việc khảo sát, chọn hộ và tập huấn về chăm sóc, thu hoạch, chế biến đã được tiến hành đối với một số gia đình tại 2 xã A Ting và Jơ Ngây. Một dây chuyền chưng cất rượu không dùng hóa chất được lắp đặt tại xã Jơ Ngây. Rượu sau chưng cất có thể dùng lâu dài, chứ không để chỉ vài ngày đã hư hỏng như lâu nay. Có thể nói, các loại đặc sản kể trên còn là sản phẩm độc đáo phục vụ du lịch với các dự án Cổng trời Đông Giang, Tây Bà Nà, A Păng… đang được triển khai trên địa bàn.