|
Cây lòn bon trên đất Tiên Phước. Ảnh: T.N |
Cần thâm canh cây trồng
Giai đoạn 2014 - 2018, TS. Vũ Mạnh Quyết - chủ nhiệm đề tài và cộng sự đã triển khai nghiên cứu, đánh giá về thực trạng sản xuất cây lòn bon của 3 huyện Tiên Phước, Đông Giang và Nam Giang. Đây là những địa phương có cây lòn bon tự nhiên và được thuần dưỡng trồng nhiều dưới tán rừng, vườn nhà. Qua đó tiến hành khoanh vẽ bản đồ hiện trạng vùng trồng lòn bon của 3 huyện, nghiên cứu đặc điểm canh tác cây lòn bon, đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất. Đề tài đánh giá yếu tố đặc thù về chất lượng đất trồng cây lòn bon, mối quan hệ giữa đất và năng suất, hình thái, chất lượng trái lòn bon. Đề tài cũng xây dựng công thức phân bón phù hợp cho cây; triển khai mô hình trồng thâm canh cây lòn bon chú trọng chọn giống, bón phân hữu cơ vi sinh, tưới nước, tỉa cành, tỉa hoa... tại 6 hộ dân xã Tiên Châu, Tiên Cảnh (Tiên Phước) trên diện tích 3ha. Đánh giá, tuyển chọn được 5 cây đầu dòng với phẩm chất tốt, độ tuổi 10 - 30 năm, đề nghị các đơn vị liên quan công nhận.
Theo TS. Vũ Mạnh Quyết, cây lòn bon phân bố trên vườn đồi, trong vườn nhà dân Tiên Phước với phạm vi hơn 500ha (trong vườn nhà) và phân bố ở diện tích hàng trăm héc ta (dưới tán rừng) của Đông Giang, Nam Giang. Do tập quán trồng ít có sự thâm canh, chăm sóc hợp lý của người dân nên phần lớn diện tích trồng thoái hóa, giảm chất lượng, trái có vị chua, khó cạnh tranh trên thị trường. Cây lòn bon được trồng nhiều ở xã Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Mỹ (Tiên Phước). Tại xã Tiên Châu, mỗi năm thu hoạch khoảng 300 tấn quả với 1.000 hộ làm vườn, trồng lòn bon kết hợp với nhiều loại cây ăn quả khác. Vùng trồng lòn bon, măng cụt, sầu riêng kết hợp phát triển du lịch đối với 5 - 10ha tại Tiên Châu.
Nhìn chung, cây trồng chủ yếu mọc từ hạt, từ sự rơi vãi của cây mẹ, chưa được chọn lọc, áp dụng biện pháp tiên tiến để nhân giống. Dù đã có một số mô hình chiết ghép cây nhưng chưa thành công. Hầu hết lòn bon tại Tiên Phước được người dân di thực về trồng trong vườn nhà, được tỉa dặm đảm bảo mật độ với các cây che bóng trồng xen. Kỹ thuật canh tác theo lối truyền thống, có 20% hộ áp dụng kỹ thuật, có bón phân chuồng, vôi cải thiện độ chua của cây. “Qua thời gian triển khai, nhìn chung, ở mô hình trồng thâm canh với diện tích 3ha cây độ tuổi từ 10 - 30 tuổi, có tưới nước, bón phân vi sinh, tỉa cành, tỉa hoa, cây lòn bon có năng suất cao vượt trội so với đối chứng. Cùng một điều kiện thời tiết bất lợi, mất mùa thì cây lòn bon có bón phân vi sinh, tưới nước đầy đủ vẫn cho năng suất cao hơn các mô hình đối chứng” - TS. Vũ Mạnh Quyết nói.
TS. Vũ Mạnh Quyết cho rằng, lòn bon phát triển tốt ở vùng có điều kiện nhiệt độ trung bình là 25 độ, ít có sự chênh lệch giữa các tháng, lượng mưa trên 100mm. Chất lượng đất trồng lòn bon tại Quảng Nam được xác định cụ thể đất có thành phần cơ giới, thường là đất thịt pha sét và cát, tầng đất dày trên 100cm, độ xốp tầng mặt đạt yêu cầu tầng canh tác, đất có nhiều sỏi, sạn và cát thô... Nhìn chung, đất canh tác lòn bon có độ phì ở mức trung bình tới thấp. Một số chất đất có ảnh hưởng tới chất lượng quả lòn bon bao gồm đạm tổng số, dung lượng trao đổi cation, kẽm (Zn), đồng. Yếu tố Zn ảnh hưởng mạnh mẽ tới axit hữu cơ tổng số, hàm lượng đường khử và protein, yếu tố quyết định tới chất lượng sản phẩm. Đất chứa nhiều Zn có xu hướng cho quả có phẩm chất tốt hơn...
Khó cải thiện chất lượng quả
ThS. Nguyễn Đình Vương (Sở NN&PTNT) cho rằng, việc cải tạo độ chua của cây lòn bon vô cùng khó khăn. Trên thực tế, giải pháp nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả mà đề tài đưa ra vẫn chưa có sự rõ ràng, thuyết phục, chưa đạt yêu cầu. Năng suất, độ ngọt, sản lượng, phẩm chất quả ở các mô hình trồng thâm canh vẫn chưa rõ. Bên cạnh đó, đề tài vẫn chưa làm rõ tác động của giải pháp kỹ thuật lên các mô hình, giải pháp đưa ra còn chung chung. Cần đưa ra giải pháp, quy trình canh tác tổng hợp nhằm tăng năng suất, chất lượng để có khuyến cáo cụ thể đối với người dân. Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho rằng, lòn bon là cây trồng chịu ảnh hưởng rất lớn của thời tiết và biến đổi khí hậu. Năm 2019 là năm mất mùa lòn bon ở Tiên Phước do tình hình khô hạn diễn biến phức tạp. Vấn đề thâm canh cây trồng, tưới, bón phân cho cây trong dân còn hạn chế cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng trái. Cần nghiên cứu, điều tra cụ thể về thành phần đất để có khuyến cáo cụ thể đến người dân; cần bón những loại phân gì, chế độ phân bón tối ưu, khuyến cáo can thiệp kỹ thuật ra sao để cải thiện chất lượng, năng suất quả. Cần có nghiên cứu tiếp theo về khâu giống, tạo nguồn giống chuẩn, sạch bệnh để hỗ trợ người dân.
Ông Lê Muộn - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học cho rằng, đến nay, có nhiều nghiên cứu ngoài nước về chất lượng trái lòn bon, ở Việt Nam thì rất ít. Rất nhiều tài liệu đã đề cập tới những axit hữu cơ chi phối độ chua, độ ngọt của trái. Bên cạnh phân tích độ chua do chất đất, vẫn có một phần do nông dân và thương lái hái quả chưa chín hoặc vừa chín tới để bán cho đẹp trái, màu đẹp, còn thực sự lòn bon chín cho quả ngọt, thơm, song vỏ chuyển sang màu sậm, không đẹp mắt. Cũng theo ông Lê Muộn, Sở NN&PTNT từng di thực cây giống lòn bon gốc Thái về trồng ở Tiên Phước để đánh giá thực tiễn. Từ một số đề tài, mô hình KH&CN, nông dân ở Tiên Phước đã biết cách trồng thâm canh, chăm sóc cây hợp lý, biết cách bón phân chuồng, bón vôi để cải thiện độ chua của trái. Đề tài chưa làm rõ những a xít hữu cơ tổng số chi phối trực tiếp đến chất lượng, phẩm chất trái, chi phối độ chua của quả. Việc cải thiện chất lượng quả là sự tổng hợp các biện pháp: giống (bình tuyển cây trội/đầu dòng có chất lượng tốt); bón phân; cải tạo đất; thu hoạch đúng độ chín...