Ảnh minh họa
Đến nay toàn tỉnh có 18 cơ sở GDNN thuộc loại hình tư thục, trong đó có 09 cơ sở trực thuộc doanh nghiệp. Tính riêng các trường tham gia đào tạo nhân lực tay nghề cao có 7/18 trường ngoài công lập, tỉ lệ 39%. Có nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, hợp tác trong việc tổ chức học sinh, sinh thực hành, thực tập. Giai đoạn 2014-2018, ngân sách tỉnh chi cho đào tạo nhân lực tay nghề cao là 386,3 tỉ đồng.
Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên và người dạy nghề tại các cơ sở GDNN tham gia đào tạo nhân lực tay nghề cao toàn tỉnh tính đến tháng 4/2019 là 1.410 người. (Trong đó, cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên cơ hữu là 874 người người). Có 3 giáo sư, 5 phó giáo sư, 44 tiến sĩ, 568 thạc sĩ và tương đương, 626 đại học. Trong đó, tỉ lệ giảng viên, giáo viên được đào tạo nghiệp vụ sư phạm 85,3%, được đào tạo, bồi dưỡng công nghệ thông tin 79,6%, có chứng chỉ ngoại ngữ 83,2%. Nhìn chung chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ bản đảm bảo về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Chất lượng đào tạo luôn được các nhà trường chú trọng, thể hiện ở chất lượng đầu ra của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Toàn tỉnh đã đào tạo được trên 45.200 học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng. Trong đó, có 6/18 cơ sở GDNN ngoài công lập tham gia đào tạo nhân lực tay nghề cao, kết quả đào tạo đạt tỉ lệ gần 10%. Nhiều ngành đào tạo, tỉ lệ sinh viên, học sinh tốt nghiệp có việc làm trên 80%.
Ngoài ra, học sinh, sinh viên của các cơ sở GDNN cũng tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, thi tay nghề các cấp và đạt giải cao. Đây là hoạt động thiết thực nhằm đào tạo, bồi dưỡng những lao động có tay nghề cao.
Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo nghề được chú trọng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tích hợp kỹ năng, phát huy tính chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động. Trang thiết bị phục vụ thực hành cho người học được quan tâm đầu tư; công tác đánh giá và công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định, một số ngành, nghề liên kết có sự tham gia đánh giá của các tổ chức sử dụng lao động.
Ngoài các cơ chế, chính sách về đào tạo nhân lực tay nghề cao, tỉnh Quảng Nam còn ban hành cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động (trình độ sơ cấp trở xuống) cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đây là chính sách hỗ trợ vượt trội nhằm gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Qua đó đã góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 47,8% năm 2014 lên 58,51% năm 2018.