|
Kênh mương nội đồng giúp tiết kiệm nước tưới phục vụ sản xuất lúa. Ảnh: QUANG VIỆT |
Khôi phục sản xuất
Vụ hè thu năm 2018, diện tích sản xuất lúa bị bỏ hoang trên địa bàn xã Bình Đào là 36,5ha, do đất trũng thấp, sình lầy, ngập mặn, chuột cắn phá, thiếu nước tưới, hiệu quả sản xuất kém. Trước thực trạng đó, UBND xã Bình Đào đã khảo sát, xác định diện tích đất lúa không sản xuất của từng hộ theo từng tổ, từng thôn. Địa phương đã tổ chức họp dân, kêu gọi nông dân nỗ lực khắc phục các khó khăn, khôi phục sản xuất. UBND xã Bình Đào đã mua bẫy chuột, hướng dẫn người dân sử dụng thành thục để khắc phục nạn chuột cắn phá. Các nông hộ đã phối hợp chặt chẽ, cải tạo đồng ruộng, đắp bờ ruộng vững chắc, kiên cố hóa thủy lợi, giao thông nông thôn. Các đê ngăn mặn dọc sông Trường Giang được nâng cấp để chống sạt lở, ngăn mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng. Đến vụ hè thu, diện tích sản xuất lúa bị bỏ hoang ở xã Bình Đào chỉ còn 5,5ha. Theo ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình Đào, xã đang đề xuất với huyện quy hoạch 5,5ha khó sản xuất lúa còn lại để phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Trần Vũ Bảo - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, đáng báo động là thực trạng bỏ hoang diện tích sản xuất lúa của người dân trên địa bàn 22 xã, thị trấn. Sau vụ đông xuân, tổng diện tích đất lúa không sản xuất là 152,1ha. Trong đó, bỏ hoang 1 vụ là 49,4ha còn bỏ hoang trên 1 năm là 104,9ha. Riêng ở xã Bình Dương, tổng diện tích đất lúa bỏ hoang là 5,8ha.
Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, sản xuất lúa tốn kém nhưng thu nhập không cao. Trong khi đó, người dân ngày càng chuyển hướng sang thực hiện dịch vụ, du lịch, thương mại có nguồn thu cao hơn nên dẫn đến tình trạng bỏ hoang ruộng đất. Địa phương vận động và phối hợp chặt chẽ với nông dân tổ chức lại sản xuất, chú trọng kiện toàn lại thủy lợi, đắp bờ, đắp đập, ngăn mặn, tập trung canh tác trên đồng ruộng. “Đã có khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với nguồn đầu tư lớn của doanh nghiệp hình thành trên địa bàn. Chúng tôi khuyến khích bà con nông dân sản xuất lúa không hiệu quả có thể cho doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất lớn”, ông Vân nói.
Tập trung sản xuất vụ hè thu
Tổng diện tích sản xuất lúa trên địa bàn huyện Thăng Bình ở vụ hè thu này là 7.200ha. Để hạn chế tác hại của hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, UBND huyện Thăng Bình khuyến cáo bà con nông dân chỉ nên gieo sạ những giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày, đảm bảo thu hoạch trước ngày 5.9. Để chủ động nước tưới, các địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất, trồng lúa ở những khu vực đảm bảo thủy lợi hoặc chuyển sang các loại cây trồng cạn phù hợp.
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, địa phương khuyến cáo nông dân canh tác lúa thuần có phẩm chất, năng suất ổn định để giảm thâm canh trong điều kiện thiếu nước tưới mà vẫn giữ được hiệu quả kinh tế mang lại. “Chương trình “3 giảm, 3 tăng”, tưới tiêu khoa học, tiết kiệm nước được khuyến khích. Làm đất, cấy lúa, thu hoạch bằng máy móc để tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất. Bón phân cân đối và hợp lý, các phương án phòng chống dịch bệnh được triển khai ngay từ đầu vụ. Tập huấn kỹ thuật cũng đã được địa phương triển khai đến tất cả nông hộ” - ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, địa phương đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện triển khai tốt công tác điều tra, đứng điểm, hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân sản xuất tốt vụ hè thu. Trong quá trình sản xuất, các nông hộ sẽ luôn nhận được hướng dẫn phòng trừ dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Bẫy chuột bán nguyệt cũng như các công đoạn kỹ thuật đã được trang bị cho các nhóm diệt chuột ở hầu khắp các địa phương trên toàn huyện. Dự báo khí tượng nông nghiệp, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu được kỳ vọng sẽ giúp nông hộ sản xuất tốt trong vụ hè thu này. “Rất mong UBND tỉnh bố trí ngân sách hỗ trợ nông dân chịu nhiều thiệt hại cũng như giúp huyện đầu tư lại các công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng trong đợt bão, lũ lụt năm 2018. Đồng thời đề nghị HĐND, UBND tỉnh bố trí ngân sách đầu tư tuyến kênh thủy lợi N22 đã xuống cấp nghiêm trọng cũng như nâng cấp hệ thống pa ra dọc sông Trường Giang giúp sản xuất nông nghiệp ở các xã vùng đông khởi sắc hơn” - ông Hương nói.