|
Đoàn giám sát làm việc với HTX Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Nhật Linh (Tiên Cảnh, Tiên Phước). Ảnh: VĂN SỰ |
Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho hay, hiện nay trên địa bàn 15 xã, thị trấn của huyện có 36 HTX đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký kinh doanh hơn 63 tỷ đồng. Các HTX này có tổng cộng 287 thành viên đăng ký tham gia và 393 lao động làm việc thường xuyên, chủ yếu hoạt động sản xuất - kinh doanh trên các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, vận tải.
“Qua khảo sát cho thấy, năm 2018 doanh thu bình quân của 1 HTX là 750 triệu đồng, lợi nhuận của 1 HTX là 178 triệu đồng, thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong HTX là 4,2 triệu đồng/tháng” - ông Hiệu nói.
Ông Lê Trí Hiệu cũng cho biết, ngoài mô hình kinh tế HTX, tính đến thời điểm này huyện Tiên Phước cũng đã hình thành 16 tổ hợp tác theo quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Số tổ hợp tác này hoạt động trên các lĩnh vực như dịch vụ thú y trọn gói, nuôi cá lồng bè, trồng tiêu - cây ăn quả, mua bán nông sản, dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi gia súc - gia cầm, sản xuất nếp thương phẩm, cơ khí...
Ông Lê Trí Hiệu nhìn nhận, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng thực tế cho thấy mô hình kinh tế hợp tác của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Phần lớn HTX mới thành lập đều có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn đơn điệu, manh mún và thông tin tiếp cận thị trường còn rất hạn chế. Chưa có hình thức liên doanh, liên kết trong khu vực HTX cũng như giữa HTX với các tổ chức, doanh nghiệp. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động ở nhiều HTX còn hạn chế nhưng chưa được đào tạo, bồi dưỡng kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế...