Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Báo cáo Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy thống nhất, quán triệt chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP; xác định rõ và nâng cao vai trò người đứng đầu của địa phương đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị trong phòng, chống bệnh DTLCP. Triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống bệnh DTLCP, UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của cơ quan Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 16/4/2019 của Tỉnh ủy Quảng Nam về việc tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống bệnh DTLCP, Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 06/3/2019 về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống, khống chế dịch bệnh ở lợn trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Quảng Nam theo Quyết định số 2923/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 của UBND tỉnh, Công văn số 1623/UBND-KTN ngày 27/3/2019 về việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, Công văn số 2395/UBND-KTN ngày 04/5/2019 của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Cụ thể như sau:
Đối với địa phương phát hiện ổ dịch bệnh DTLCP: Tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh DTLCP trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh DTLCP và thực hiện xử lý các đàn lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,…); Thực hiện công bố dịch bệnh DTLCP theo quy định của pháp luật Thú y; Chỉ đạo UBND cấp xã thành lập đội xử lý ổ dịch để tiêu hủy triệt để lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết, chấm dứt ngay tình trạng dây dưa trong việc tiêu hủy hoặc vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh; phun thuốc tiêu độc khử trùng; chịu trách nhiệm thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn. Lưu ý phương tiện, dụng cụ vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy phải bảo đảm không để rơi vãi chất thải, phân, các loại dịch tiết, máu của lợn ra ngoài môi trường; người, phương tiện, dụng cụ sử dụng cho việc tiêu hủy lợn phải được vệ sinh, sát trùng nhằm bảo đảm không để mầm bệnh phát tán, lây lan; Rà soát, củng cố ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện; phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên, tăng cường đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP; Thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời hoặc Đội kiểm tra liên ngành (tùy tình hình của địa phương) để quản lý ổ dịch và hạn chế tối đa sự phát tán, lây lan mầm bệnh DTLCP sang các địa phương khác; Tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã, các cơ quan, đơn vị liên quan, hội đoàn thể cấp huyện, nhân viên Thú y xã, quán triệt, chỉ đạo tập trung vào cuộc để ứng phó với bệnh DTLCP theo các tình huống; Chỉ đạo các địa phương trên địa bàn cấp huyện tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn lợn đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện, xử lý kịp thời không để bệnh dịch phát sinh, lây lan ra diện rộng;
Tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống bệnh DTLCP ở các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã có bệnh DTLCP mỗi ngày một lần trong tuần đầu tiên, thực hiện 02 ngày một lần trong 2-3 tuần kế tiếp; đối với hộ nuôi lợn ở các xã (thị trấn) chưa có bệnh DTLCP thực hiện tiêu độc khử trùng 02 ngày một lần cho đến khi công bố hết dịch bệnh DTLCP trên địa bàn; Chỉ đạo UBND cấp xã thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở kịp thời phát hiện, khai báo dịch bệnh; quản lý hành nghề của thú y viên, yêu cầu thú y viên không chữa bệnh cho lợn tại địa bàn cấp xã đã xuất hiện bệnh DTLCP. Trường hợp phát hiện lợn bệnh phải báo ngay nhân viên Thú y cấp xã, UBND cấp xã, để kiểm tra, lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh hoặc tiêu hủy lợn bệnh; xử lý nghiêm nhân viên thú y không chấp hành quy định; Chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện báo cáo dịch bệnh hằng ngày về Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo quy định.
Đối với địa phương chưa phát hiện ổ dịch bệnh DTLCP: Rà soát các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP đã, đang triển khai. Xây dựng phương án bổ sung đảm bảo nhân lực, kinh phí thực hiện, địa điểm khu vực tiêu hủy chôn lấp lợn bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; Tổ chức họp đội ngũ thú y cơ sở (nhân viên Thú y cấp xã và thú y viên) quán triệt các văn bản chỉ đạo phòng, chống bệnh DTLCP từ Trung ương đến địa phương, phát hiện, khai báo kịp thời, không giấu bệnh để điều trị; Tăng cường giám sát đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung giám sát các đàn lợn tại các địa phương có nhiều khách du lịch, các khu - cụm công nghiệp có công nhân từ các tỉnh, thành phố khác và có phương tiện vận chuyển từ địa phương có bệnh DTLCP…
Thống kê ngay toàn bộ hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn trên địa bàn cấp thôn, xã, huyện để có kế hoạch ứng phó khi có bệnh DTLCP xảy ra. Vận động người chăn nuôi có nuôi lợn thịt khỏe mạnh, không nhiễm mầm bệnh, có trọng lượng khoảng từ 45 kg trở lên tiến hành xuất bán để giảm bớt tổng đàn lợn trên địa bàn, hạn chế tăng đàn lợn, nhằm giảm nguy cơ thiệt hại khi có bệnh DTLCP xảy ra; Chấn chỉnh công tác quản lý giết mổ lợn trên địa bàn. Xây dựng ngay phương án giết mổ lợn để tiêu thụ tại chỗ đối với lợn khỏe mạnh không nhiễm mầm bệnh trong trường hợp bệnh DTLCP lây lan rộng, kéo dài. Cơ sở giết mổ phải đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và có sự giám sát của thú y; Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương: Thông tin, tuyên truyền về mức và thời gian hỗ trợ của Nhà nước đối với người chăn nuôi có lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; Thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về bệnh DTLCP và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội; Tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi thay đổi phương thức chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học: không sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn chưa qua nấu chín để nuôi lợn; mua lợn có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch của cơ quan thú y và thực hiện nuôi cách ly trước khi nhập đàn; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên… Khi thấy lợn bệnh, nghi bị bệnh cần báo cho chính quyền địa phương, nhân viên Thú y cấp xã để xử lý kịp thời; Tuyên truyền cho người dân không quay lưng với chăn nuôi lợn, yên tâm sử dụng các sản phẩm thịt lợn; sử dụng thịt lợn tại cơ sở giết mổ đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và có kiểm soát của cơ quan thú y theo đúng quy định.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh động vật của tỉnh theo phân công nhiệm vụ tại Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 26/3/2019 tăng cường trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn đứng điểm, đặc biệt là các thành viên đứng điểm tại các địa phương có dịch và địa phương giáp ranh với các địa phương có dịch; thực hiện nghiêm việc giao ban hằng tuần và chế độ báo cáo theo quy định.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có lợn tiêu hủy do dịch bệnh DTLCP, mức hỗ trợ bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch đảm bảo mức ngày công tối thiểu theo đúng quy định../.