|
Những cánh đồng sen ở vùng Trà Lý của xã Duy Sơn mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Ảnh: H.N |
Khai thác thế mạnh
Ông Đinh Chín - hộ trồng sen đầu tiên và lớn nhất ở thôn Chánh Lộc (xã Duy Sơn) cho biết, cách đây 17 năm, tận dụng diện tích ao nhỏ của gia đình và cải tạo thêm một số chân ruộng bỏ hoang, ông trồng thử nghiệm sen. Ban đầu, ông chỉ nghĩ trồng sen để đất đai khỏi hoang hóa, phục vụ ăn uống trong gia đình là chính. Tuy nhiên, qua thời gian, ông thấy cây sen phát triển tốt, thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, ra nhiều hoa, đài rất nhiều hạt và đều. Nhận thấy tiềm năng giá trị kinh tế từ cây sen, 5 năm gần đây ông Chín mở rộng diện tích trồng sen lên gần 1ha. Riêng năm 2018 này, ông thu hoạch hơn 3,5 tấn hạt tươi, bán sản phẩm với giá 28 - 30 nghìn đồng/kg, lãi 85 triệu đồng, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Không chỉ vậy, tận dụng diện tích mặt nước trồng sen, ông kết hợp nuôi cá, ốc và mỗi năm thu nhập thêm gần 20 triệu đồng.
Những năm qua, vùng trồng sen Trà Lý của xã Duy Sơn không chỉ mang lại thu nhập cao cho nhà nông mà đang trở thành địa điểm du lịch khá lý tưởng cho du khách gần xa. Bởi, cánh đồng sen nơi đây hấp dẫn hơn nhiều các đầm sen khác là do tựa lưng vào núi, khung cảnh đẹp thơ mộng, thanh bình. Cạnh đó, việc đi lại dạo chơi với hoa sen rất dễ dàng vì được trồng tập trung trên ruộng cạn, có nhiều lối đi ngang dọc khắp cánh đồng. Thiết nghĩ, nếu có sự đầu tư mạnh mẽ từ phía chính quyền các cấp và người dân, cánh đồng sen Trà Lý sẽ ngày càng thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức các sản phẩm từ sen. Đây cũng là một trong những kênh quảng bá sản phẩm OCOP rất hiệu quả. |
Ông Nguyễn Trường Tải - Trưởng thôn Chánh Lộc cho biết, toàn thôn hiện có hơn 40ha trồng sen chuyên canh ở Đồng Lớn - Trà Lý với khoảng 50 hộ dân tham gia. So với một số loại sen trên thị trường, hạt sen Trà Lý được các thương lái và người tiêu dùng đánh giá rất cao. Bởi, không chỉ hạt đều, ít bị lép mà sản phẩm chế biến từ hạt sen của vùng này có mùi thơm tự nhiên rất đặc trưng. Ông Tải nói: “Những năm qua, giá bán sản phẩm tương đối ổn định, mỗi vụ sen người dân thôn Chánh Lộc thu về không dưới 4,5 tỷ đồng”.
Hướng đến OCOP
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, ngoài cây bưởi, chính quyền xã Duy Sơn chọn xây dựng sen Trà Lý trở thành sản phẩm OCOP. Trước mắt, địa phương chọn hộ ông Phạm Đắc Thành làm điểm trước khi triển khai nhân rộng. Theo tìm hiểu, năm nay ông Thành đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng mua sắm máy lột hạt sen, máy sấy cùng một số trang thiết bị khác. Đồng thời đầu tư bao bì, quảng bá sản phẩm, thực hiện khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng vụ sen năm 2018, cơ sở của ông Thành tiến hành thu mua 10 tấn hạt sen tươi của người dân trong vùng về chế biến, cung cấp ra thị trường đủ các loại sản phẩm như hạt sen khô, tim sen… Sau khi trừ các khoản chi phí, ông Thành thu lãi ít nhất 70 triệu đồng. Dự kiến, thời gian tới, khi được ngành chức năng hỗ trợ kinh phí theo đề án thực hiện chương trình OCOP, gia đình ông Thành sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, mua sắm máy móc để tiến tới đảm nhận thu mua toàn bộ nguyên liệu sen tươi ở vùng Đồng Lớn - Trà Lý, đồng thời tìm kiếm nguồn nguyên liệu bền vững ở các nơi khác để đảm bảo cơ sở hoạt động quanh năm. “Sắp tới, tôi sẽ chủ động liên hệ với các cửa hàng, siêu thị để giới thiệu sản phẩm từ hạt sen, tiến đến ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc phát triển thương hiệu sen Trà Lý gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Vì vậy, tôi mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi để có điều kiện đầu tư, phát triển sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là đưa sen Trà Lý đến nhiều thị trường tiềm năng hơn nữa” - ông Thành chia sẻ.
Để xây dựng thành công sản phẩm OCOP từ sen, chính quyền xã Duy Sơn đã thành lập tổ hợp tác gồm 11 thành viên với vốn góp 50 triệu đồng/người. Ông Trần Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, thời gian đến địa phương sẽ tập trung hỗ trợ người dân đa dạng hóa sản phẩm, thiết kế mẫu mã một cách tinh tế. Đặc biệt, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, liên kết sản xuất theo chuỗi và chú trọng khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thêm nhiều kênh phân phối để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Mặt khác, phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn cụ thể cho các hộ dân cách bảo quản sản phẩm thuận lợi, thời gian lâu hơn gắn liền với đảm bảo về chất lượng.