|
Nghề hái lá tràm tuy vất vả nhưng có thêm thu nhập, mang lại niềm vui cho nhiều người dân Thăng Bình. Ảnh: TRANG LY |
Gian nan nghề hái lá
Với những người phụ nữ trung niên ở xã Bình Trung, chen mình qua những cánh rừng tràm bạc ngàn xanh tốt, hái từng nắm lá còn đọng sương mai mang về cho người dân nấu dầu, tự bao giờ đã trở thành nghề, có thêm thu nhập.
Bà Lê Thị Tá (46 tuổi, thôn Tứ Sơn) kể, trước kia những người trạc tuổi bà, suốt ngày chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng, với con heo, con gà, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. “Nghe tin những chủ lò tràm ở Huế thu mua lá tràm gió, tôi sắm liềm, bao tời rồi lặn lội đi tìm hái lá bán với giá 3 - 4.000 đồng/kg. Nhờ thế, bữa ăn có thêm miếng thịt, con cá. Tranh thủ thêm một tý, nhưng cuộc sống đỡ vất vả đi nhiều” - bà Tá chia sẻ.
Cũng như bà Tá và nhiều người khác nữa, bà Hai Trái - nhà ở tận thôn Đồng Xuân, vẫn ngày ngày đi bộ, xách bao lên rừng hoặc lội xuống những trũng cát trắng hái lá. Không có đủ sức khỏe để đi xa và hái nhiều như người khác, thế nhưng bà Hai Trái vẫn vui vẻ sau mỗi buổi hái, cân lá bán kiếm được khoảng 30 nghìn đồng đi chợ mua thức ăn.
Tràm có lá thơm, lá hôi. Để khỏi hái nhầm, dầu nấu ra được thơm, màu dầu phải xanh ngà ngà, khi thoa lên người không bị nóng mà chữa được bệnh, thì đòi hỏi người hái lá phải tinh tế và tỉ mẩn từ việc chọn cây, đến ngửi mùi của lá. Có người cẩn thận hơn, lấy dăm bảy lá cho vào bàn tay, vò nát, thoa vào bụng, thấy âm ấm thì đó là lá “ngon”.
Hơn 5 năm đi hái lá tràm, bà Lê Thị Lý (còn gọi Sáu Lý, 59 tuổi, thôn Tứ Sơn) đã quá quen với từng ngóc ngách có lá tràm mọc, từ Bình Nam, Bình An cho đến tận Tam Kỳ, dù xa cách mấy bà Lý cũng cù vài ba chị em cùng đạp xe đi hái. Hôm nay hái ở đây thì mai phải đi xa hơn chừng vài ba cây số, rồi độ dăm bữa, nửa tháng mới quay về chốn cũ, vì lúc đó tràm đã kịp thay lá mới, tươi xanh, nhiều vô số kể.
Mấy năm sau, đâu chừng 2016, con gái bà Lý về làm dâu ở Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), được nhà chồng chỉ cho cách nấu dầu tràm; đến khi về quê, khuyên mẹ dựng lò nấu dầu, chớ nghề hái lá vất vả mà chua chát quá. Thế là, giữa những hoang vu, những bạc ngàn sỏi đá, ngọn lửa đầu tiên đỏ lên, thắp sáng hy vọng cả một miền quê nghèo khó...
Hương tràm bay xa
Bà Lý nói với chúng tôi, ban đầu còn vụng về lắm, những mẻ đầu dầu nấu ra không thơm, số lượng đạt được cũng ít, người mua thì không có ai. “Nhiều lúc tôi phải đạp xe ra chợ, đi đến từng nhà nhờ bà con ủng hộ. Rồi được con gái động viên, chỉ vẽ có cách làm cộng thêm một số bí quyết xưa nay của những lò dầu tràm ở Huế, nên tôi mới thành thạo. Bây giờ thì có tay nghề rồi, không sợ những lúc lửa to nhỏ, trời mưa hay nắng. Ngày nào bếp cũng đỏ, dầu cũng luôn có sẵn trong nhà. Ấy thế mà vui, mà có công ăn chuyện làm, lại có thêm thu nhập” - bà Lý cười nói.
Lá dầu tràm thu mua của người dân với giá 4.000 đồng/kg, được bà Lý cho vào phuy nén chặt, để qua đêm. Từ tờ mờ sáng hôm sau, lò dầu đỏ đã đỏ rực, lửa cháy đượm, đều, từ 5 - 6 giờ liên tục để lá chín. Lửa phải đều và kỹ, không lúc nào thiếu lửa hay để cho lửa cháy quá lớn sẽ làm bay hơi mất mùi dầu. Khi đó tinh dầu trong nồi nấu sôi lên bốc hơi, khí bay theo ống dẫn đến can nhựa được ngâm trong nước lạnh. Nhiệt độ giảm sẽ làm khí nguội tạo thành tinh dầu tràm.
|
Từ tờ mờ sáng, lò dầu đã đỏ lửa. Ảnh: TRANG LY |
Theo lời bà Lý, thường khoảng 60 - 70kg lá tràm sẽ cho ra khoảng 500ml tinh dầu, màu xanh ngà, có hương thơm dịu nhẹ. Mỗi lít thường được bán với giá sỉ 1 - 1,2 triệu đồng. Điều quan trọng hơn cả, là sau nhiều năm ngược xuôi hái lá, giờ bà đã có được việc làm ổn định. Xây dựng được cơ sở dầu Sáu Lý, được nhiều người biết đến như hiện nay.
“Dầu theo chân con gái ra Huế, theo người buôn vô Tam Kỳ, ra Đà Nẵng… rồi đến nhiều nơi khác nữa. Bận, có người ở tận Tây Ninh ra ngõ lời rằng trong đó tràm bạc ngàn, nhưng không ai làm dầu được, muốn tôi vào dựng cơ sở. Nhưng làm răng đi được. Hương tràm ở mình khác lắm. Không thơm nồng như dầu Huế mà chỉ ngai ngái, lại hay thay đổi, nay mùi này, mai lại mùi khác. Dầu được nấu từ lá cây mọc ở nơi này lại có mùi khác lá ở nơi khác, dù hai nơi chỉ cách nhau vài ba giồng cát…” - bà Lý chia sẻ.
Từ cơ sở Sáu Lý, tràm tỏa hương thơm ngát, loa tỏa nhiều nơi. Nhiều người cùng quê cũng tập tành xây bếp, dựng lò. Như ông Hai Hợi, bà Năm Liên… ở xóm bên, nhưng do không nắm được cách làm, lại mấy bận nấu nhầm phải lá tràm hôi, thua lỗ nên đành tắt lửa. Duy ở Bình Sa, lò dầu Linh Vũ của chị Bùi Thị Nguyệt, không những tự mày mò thành công mà còn khẳng định được thương hiệu dầu tràm xứ Quảng.
|
Từ 4 giờ đến tận 12 giờ trưa, những giọt dầu đầu tiên mới được bà Sáu Lý đưa ra khỏi lò. Ảnh: TRANG LY |
Để được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu ưa dùng”, Tạp chí Công thương trao cúp và giấy chứng nhận dầu tràm Linh Vũ được người tiêu dùng bình chọn 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng, chị Nguyệt cũng từng bao phen khốn đốn.
Chị Nguyệt kể: “Để tạo ra sản phẩm là cả một quá trình dài chứ chưa nói đến việc đăng ký thương hiệu. Thế nhưng, quê nuôi mình lớn, chắc cũng vì lẽ đó mà không đành đoạn cướp đi miếng cơm của mình. Lửa không đều tay, tôi thường xuyên túc trực; dầu nấu bị hôi, tôi coi lại nguyên liệu đầu vào… Cứ thế, sau mỗi đợt nấu, tôi xem xét lại từng khâu, hoàn thiện từng công đoạn. Rồi, cuối cùng cũng thành công, không những giúp bà con gần đây có thêm việc làm, mà bản thân cũng có thu nhập 7 - 10 triệu đồng/tháng”.
Dầu tràm ở xứ Quảng chỉ xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây, nhưng dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Từ những lò nhỏ nơi chái bếp của các bà các mẹ như bà Sáu Lý, đến những lò quy mô hơn như chị Nguyệt, hay mai này sẽ chẳng còn củi than mà thay vào đó là những lò điện công nghiệp, thì mùi hương tràm Quảng Nam vương vị mằn mặn của cát biển vẫn còn thơm, còn lan tỏa đi nhiều nơi khác nữa…