Theo Kế hoạch, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, bao vây, khống chế kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Các Sở, Ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; chủ động phối hợp trong công tác quản lý, giám sát dịch bệnh; chuẩn bị đủ kinh phí, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch. Các cơ quan truyền thông phối hợp với cơ quan chuyên môn thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; tránh gây hoang mang trong nhân dân. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn (kể cả sản phẩm của lợn đã qua chế biến chín) phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thú y.
Khi chưa có bệnh DTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh: Các sở, ban, ngành liên quan và địa phương phối hợp chặt chẽ, chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP. Trong đó cần tập trung một số nội dung chính sau:
Triển khai, hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương, tỉnh đến chính quyền các cấp, các ngành có liên quan, các đoàn thể nhân dân, Ban Nông nghiệp, đội ngũ thú y cơ sở và các tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn (sau đây gọi là cơ sở chăn nuôi) trên địa bàn. Giám sát lâm sàng để kịp thời phát hiện bệnh DTLCP. Lưu ý theo dõi giám sát đội ngũ hành nghề thú y và các cơ sở chăn nuôi lợn. Trường hợp phát hiện đàn lợn nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Thực hiện lấy mẫu theo quy định. Thực hiện áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi; định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống; thức ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng, không cho lợn ăn thức ăn thừa…). Tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh. Thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh DTLCP, cách nhận biết được bệnh DTLCP, khai báo kịp thời kể cả các trường hợp nghi ngờ, các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP để mọi người được biết, cùng phối hợp thực hiện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập lợn tại các cơ sở để chăn nuôi, giết mổ. Hạn chế việc nhập lợn từ các tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc vào địa bàn tỉnh. Thành lập các đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Tập huấn về bệnh DTLCP và cách phòng, chống cho đội ngũ thú y cơ sở và đối tượng chăn nuôi lợn. Phối hợp với các tỉnh, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Bắc về phòng, chống bệnh DTLCP nhằm ngăn chặn từ xa, không để bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh. Duy trì đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Bố trí đủ, kịp thời kinh phí, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch.
Khi có bệnh DTLCP xảy ra (có kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với vi rút DTLCP): Thực hiện khai báo và báo cáo cập nhật ổ dịch bệnh động vật qua điện thoại và bằng văn bản để kịp thời chỉ đạo các biện pháp xử lý và phòng, chống dịch bệnh. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp theo quy định. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đến các địa phương có dịch bệnh, có nguy cơ bị dịch bệnh uy hiếp để kiểm tra, đôn đốc và tổ chức các biện pháp chống dịch.
Họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp hằng tuần, đột xuất để cập nhật diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP. Toàn bộ đàn lợn bị bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh DTLCP. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn xung quanh, liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Lập hồ sơ tiêu hủy và hỗ trợ theo quy định đã được ban hành của UBND tỉnh.
Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, phương tiện, dụng cụ dùng trong chăn nuôi, chất thải chăn nuôi theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung đối với đàn lợn tại vùng bị dịch uy hiếp. Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín ra khỏi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp; không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Thực hiện công bố dịch theo quy định tại Điều 26 Luật Thú y và các quy định hiện hành. Tổ chức chống dịch bệnh động vật trong vùng có dịch; phòng, chống dịch bệnh động vật trong vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo quy định của Luật Thú y và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn Trung ương.
UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, các ngành, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn quản lý theo Kế hoạch này.
Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh DTLCP; có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành của tỉnh và các cơ quan chuyên môn Trung ương tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh DTLCP theo từng giai đoạn diễn biến dịch. Tham mưu Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh phân công nhiệm vụ từng thành viên phối hợp với các địa phương đứng điểm chỉ đạo phòng, chống bệnh DTLCP. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh DTLCP khi cần thiết. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác ngăn ngừa, phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y duy trì thường xuyên đường dây nóng qua số điện thoại 800.115 để tiếp nhận, xử lý thông tin, tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh DTLCP; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của địa phương thực hiện điều tra ổ dịch, giám sát và xử lý ổ dịch; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để phục vụ công tác phòng, chống bệnh DTLCP; hướng dẫn cụ thể về đối tượng; tần suất vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn vùng có ổ dịch, vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp.