hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh Quảng Nam (12/09/2018)
Để chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập và lây lan vào địa bàn tỉnh; đồng thời chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh LMLM, cúm gia cầm và tai xanh ở lợn; ngày 12/9, UBND tỉnh ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thủ trưởng các ngành có liên quan khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện các văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT: Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam, Công văn số 5983/BNN-TY ngày 06/8/2018 về việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và của UBND tỉnh tại Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 04/01/2018 ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2018.

UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo ngành chuyên môn cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã thành lập các đoàn đi kiểm tra, nắm bắt tình hình cụ thể về tình hình chăn nuôi ở những vùng trọng điểm, các gia trại, trang trại, các doanh nghiệp chăn nuôi đóng trên địa bàn để tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc theo dõi, giám sát lâm sàng cần tập trung vào đối tượng các đàn lợn tại địa phương. Trường hợp phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép thì phải báo ngay với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện để lấy mẫu gửi chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật). Việc lấy mẫu phải có sự phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tham mưu chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh. Đặc biệt lưu ý việc vận chuyển, nhập lợn tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung và các điểm giết mổ gia súc, gia cầm. 

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền, khuyến cáo cho người chăn nuôi nói riêng, cộng đồng dân cư nói chung: Không vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác; kể cả vận chuyển và sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cũng có thể làm lây lan dịch bệnh. Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch của cơ quan Thú y.... Hằng ngày, phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm và lây lan (vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng,…); đồng thời định kỳ vệ sinh, khử trùng và tiêu độc những nơi có nguy cơ cao. Ngay khi phát hiện có lợn bệnh, nghi bị bệnh, bị chết nghi do bệnh phải báo ngay cho nhân viên thú y xã, Trưởng thôn hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất. Việc giấu dịch, giữ lợn bệnh để điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó kiểm soát.

- Tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2/2018 nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh. Thời gian thực hiện trong vòng một tháng, bắt đầu từ ngày 15/9/2018 đến hết ngày 15/10/2018.

- Xử lý nghiêm các hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; vi phạm về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; vi phạm về kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Sở Nông nghiệp và PTNT

- Xuất hóa chất từ nguồn dự trữ của tỉnh để hỗ trợ các địa phương thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nêu trên. Việc sử dụng hóa chất đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí mua hóa chất bổ sung đảm bảo đủ lượng hóa chất dự trữ theo quy định để phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên ngành Thú y Trung ương nắm bắt kịp thời về diễn biến tình hình dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để chủ động tham mưu kế hoạch ứng phó nếu phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Thành lập các đoàn công tác phối hợp với các địa phương vùng trọng điểm chăn nuôi để hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Lưu ý: Công tác giám sát, công tác tiêm phòng đợt 2/2018, công tác tổ chức tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường. Phối hợp với các địa phương tổng hợp tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm định kỳ và đột xuất báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để theo dõi, chỉ đạo. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực (vắc xin, vật tư, dụng cụ, hóa chất) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bổ sung kịp thời kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và kinh phí mua hóa chất bổ sung nguồn dự trữ của tỉnh đảm bảo đủ số lượng theo quy định.

Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử tỉnh tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến sâu rộng trong nhân dân về kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, hạn chế thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước./.

Thùy Dung

Lượt xem:  864 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 16 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com