Người dân Bình Phú thu hoạch mủ cao su. Ảnh: V.Q
Từ nhiều năm nay, gia đình ông Võ Văn Thanh ở thôn Phước Hà trồng 30ha keo lai. Cứ sau 4 năm, ông thu hoạch keo lai 1 lần, thu được hơn 700 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. “Cây keo lai dễ trồng, không tốn quá nhiều công sức chăm sóc, chi phí sản xuất không quá cao lại có giá ổn định nhờ được nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn và vùng lân cận thu mua. Từ giá trị kinh tế cao đem lại, chúng tôi muốn mở rộng diện tích trồng keo trên đất rừng còn bỏ trống” - ông Thanh nói.
Là địa phương ở vùng tây Thăng Bình, người dân xã Bình Phú tận dụng điều kiện tự nhiên đồi núi trồng cây cao su tiểu điền trong nhiều năm qua. Mặc dù có nhiều thời điểm giá mủ cao su xuống thấp nhưng nhờ cầm cự được qua thời điểm khó khăn nên hiện nay diện tích trồng cao su vẫn duy trì ở mức 52ha. Ông Nguyễn Việt Linh trồng 3.000 cây cao su trên diện tích 5ha ở thôn Linh Cang. Rừng cao su của gia đình ông đã cho thu hoạch từ nhiều năm nay. Theo tính toán, năng suất mủ cao su thu hoạch đạt 1 tấn/ha. Với 5 tấn mủ cao su thu được, ông Linh có nguồn thu hàng trăm triệu đồng sau mỗi năm đầu tư canh tác. “Chỉ sợ bão mạnh quật ngã rừng cao su thôi chứ giá cả dù có bấp bênh nhưng chúng tôi vẫn thu lợi khá. Cao su có thể thu hoạch trong hàng chục năm nên gia đình cứ đều đặn duy trì sản xuất” - ông Linh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Kim Đông - Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, trên địa bàn hiện có 1.000ha đất rừng sản xuất đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Thời gian qua, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động người dân giữ vững diện tích rừng tự nhiên hiện có, duy trì độ che phủ rừng đạt 50%; đầu tư phát triển kinh tế rừng theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm đầu ra được đánh giá chất lượng theo hướng OCOP. Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế rừng của cả vùng tây Thăng Bình nói chung, xã chú trọng kêu gọi người dân trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, trồng cây xen canh dưới tán rừng. “Trong thời gian đến, chúng tôi tìm cách giúp đỡ người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay, các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư phát triển sản xuất các loại cây huỳnh đàn, lim xanh, chò, keo Úc kết hợp trồng mây sợi, sa nhân, ba kích xen canh dưới tán rừng. Địa phương sẽ chủ động chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, theo hướng ưu tiên giống mới, giống chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, qua đó giúp người dân làm giàu từ vốn liếng quý báu của rừng” - ông Đông nói.